Monday, December 16, 2013

Giả thuyết mới về đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng


Các nhà khảo cổ học nghiên cứu bức tượng điêu khắc trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã đưa ra giả thuyết bất ngờ liên quan tới nghệ thuật Hy Lạp.

Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra giả thuyết, những tượng chiến binh của đội quân đất nung Tần Thủy Hoàng với kích cỡ, hình dạng khác nhau được phát hiện ở căn hầm mộ tại Lệ Sơn, Tây An, Trung Quốc được lấy cảm hứng từ... nghệ thuật Hy Lạp cổ đại.


Đội quân này có gần 8.000 pho tượng binh sĩ nổi tiếng đã tồn tại hơn 2.000 năm của một trong những hoàng đế phong kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc - Tần Thủy Hoàng. Vị hoàng đế này thống trị Trung Quốc vào năm 221-210 TCN và được cho là đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng khu lăng mộ khổng lồ dưới mặt đất.

Nhà nghiên cứu Lukas Nickel thuộc ĐH London chia sẻ: "Theo tôi, những tác phẩm điêu khắc bức tượng nung này là kết quả của việc giao thoa văn hóa Hy Lạp và Trung Quốc".

Ông đã đưa ra nhiều tài liệu hồ sơ cổ vừa dịch được nói về bức tượng khổng lồ mới xuất hiện ở phía Tây khu mộ. Theo đó, bức tượng chính là bằng chứng về mối liên hệ có được giữa Trung Quốc và phương Tây và là nguồn cảm hứng Tần Thủy Hoàng lệnh tạo ra 11 bức tượng khổng lồ khác. Những bức tượng này cao khoảng 11,55m, chiều dài chân khoảng 1,38m.


Không những thế, mỗi chiến binh này còn được trang bị vũ khí bằng đồng, đó là mũi tên dễ dàng xuyên thủng áo giáp quân địch vào thời Tần Thủy Hoàng. Một chuyên gia về vũ khí cổ đại cho rằng, mũi tên này có niên đại khoảng 2.000 năm trước.

Lukas Nickel cho rằng, với những thông tin tài liệu cổ vừa mới được dịch, điều này càng khẳng định mối liên hệ, giao thoa giữa nền văn hóa Hy Lạp cùng tác phẩm điêu khắc truyền thống của Trung Quốc.


Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra một di vật đặc biệt đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Họ tìm thấy một nhóm gồm 11 diễn viên nhào lộn được chạm khắc chi tiết đến khó tin vào thời kì đó.

Những bức tượng này còn thấy cả cơ bắp tay và khối cơ ở sau lưng. Đáng chú ý, đó là những hiện vật đầu tiên cho thấy sự phát triển trong nghệ thuật điêu khắc con người với mức độ chân thực nhất ở Trung Quốc.

Hiện các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu để hiểu hơn về khu hầm mộ của bậc đế vương Tần Thủy Hoàng này.

No comments:

Post a Comment