Các nhà khoa học Việt Nam và Đức vừa công bố thêm một loài ếch cây mới vừa được phát hiện ở tỉnh Cao Bằng, được đặt tên là nhái cây wa-za Gracixalus waza Nguyen, Le, Pham, Nguyen, Bonkowski & Ziegler, 2012.
Tên loài này được đặt theo tên của hiệp hội Các vườn thú thế giới (WAZA) để ghi nhận những đóng góp của tổ chức này đối với công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã nói chung và ếch nhái nói riêng.
Nhái cây wa-za Gracixalus waza Nguyen, Le, Pham, Nguyen, Bonkowski & Ziegler, 2012.
Mẫu vật của loài nhái cây wa-za được thu thập ở vùng núi đá vôi ở phía đông tỉnh Cao Bằng ở độ cao 400-650m so với mực nước biển. Điểm đặc biệt là loài nhái cây này là không sống ven suối mà cư ngụ ở các thung lũng đá vôi hoặc cửa hang động, khá xa nguồn nước.
Đặc điểm nhận dạng chính của loài ếch mới là chiều dài đầu và thân 27-38mm, miệng không có răng lá mía, mõm khá dài và tròn ở phía trước, không có gai da trên mí mắt, không có mấu da ở gót chân, da nhẵn, không có riềm da hình răng cưa dọc cánh tay và ống chân.
Ngoài ra, mặt trên đầu và thân màu xanh xám hoặc màu rêu, có một vệt hình chữ y màu nâu trên lưng, mặt trên các chi có sọc ngang sẫm màu, họng và bụng màu kem với những vân nhỏ sẫm màu. Mô tả chi tiết của loài mới được đăng tải trên tạp chí Organisms Diversity & Evolution của Cộng hoà liên bang Đức.
Một thông tin có liên quan: các nhà khoa học Trung Quốc cũng vừa công bố một loài ếch mới có tên nhái cây nong-gang Gracixalus nonggangensis Mo, Zhang, Luo, Zhou & Chen, 2013.
Đáng chú ý là mẫu vật của loài mới này được thu ở tỉnh Quảng Tây, cách không xa khu vực thu mẫu của loài nhái cây wa-za ở tỉnh Cao Bằng. Loài mới ở Trung Quốc có đặc điểm hình thái giống với nhái cây wa-za.
Tuy nhiên, do việc công bố của nhóm nhà khoa học Trung Quốc muộn hơn (tháng 2/2013) so với nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Đức (11.2012), nên theo luật quốc tế về danh pháp động vật thì tên loài nhái cây nong-gang chỉ được coi là tên đồng nghĩa của nhái cây wa-za.
No comments:
Post a Comment