Lần này, chúng ta sẽ rời khỏi những khu rừng rậm rạp nơi có những anh chàng bắn tỉa đang núp lùm đâu đó trong kỳ trước và cũng nhau bơi ra biển, bơi ra xa một chút để có cơ hội được nhìn thấy một trong những loại khí tài quân sự hiện đại bậc nhất hiện nay, một loại tàu chiến vô cùng mạnh mẽ có kích thước khổng lồ, cân nặng thuộc hàng khủng với hàng tá súng ống, đạn dược trên boong và được bảo vệ tận răng, từ đầu cho tới "mông". Đó chính là hàng không mẫu hạm, hay còn gọi là tàu sân bay - Aircraft Carrier.
MỤC LỤC:
Trích:
Giới thiệu Cấu trúc của một tàu sân bay Cất cánh từ tàu sân bay Hạ cánh xuống tàu sân bay Tháp đảo (Island) Khoang chứa máy bay Cuộc sống trên tàu sân bay Các cô cậu XANH, ĐỎ, TÍM, VÀNG... trên boong Hệ thống vũ khí/tấn công của tàu sân bay Đội hình phỏng thủ của tàu sân bay |
Có nhiều loại tàu sân bay (TSB), nhưng về cơ bản chúng hoạt động gần như giống nhau nên trong bài viết này mình sẽ nói về chiếc USS Nimitz, một trong những siêu hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới của Hải quân Hoa Kỳ. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân từ 2 lò phản ứng, có khoảng 5.000 thủy thủ đoàn và trên dưới 90 máy bay trên boong, bao gồm cả phản lực và trực thăng. Giá thành của USS Nimitz khoảng 4,5 tỷ USD.
Có thể nói TSB là biểu tượng sức mạnh của quân đội nói chung và hải quân nói riêng, là niềm tự hào của một đất nước. Nó là loại tàu chiến mạnh mẽ nhất trong quân đội, đóng vai trò vừa là tàu chiến, tàu hỗ trợ, đồng thời vừa được xem như một căn cứ quân sự di động nổi trên biển, có thể đi đến gần như bất cứ vùng biển nào, giúp cho quân đội có thể triển khai không lực đến mọi nơi trên thế giới. Về kích thước, chúng là những tàu chiến có kích cỡ đồ sộ nhất hiện nay, cao tương đương một tòa nhà 20 tầng (gần 77 mét), dài bằng với chiều cao của tòa nhà Chrysler Building 77 tầng của Mỹ (gần 333 mét) và nặng hơn 91.000 tấn khi được trang bị đầy đủ (máy bay, bom, đạn dược, tên lửa...). USS Nimitz có sức chứa 90 máy bay và khả năng phóng liên tục 4 máy bay chỉ trong vòng 1 phút 40 giây (phóng mỗi chiếc mất 25 giây).
Tàu sân bay USS Nimitz:
- 2 lò phản ứng hạt nhân cho phép tàu hoạt động liên tục suốt 20 năm mà không cần bơm nhiên liệu.
- 4 tua-bin hơi nước, mỗi cái có thể tạo ra 8.000 kW điện, đủ để vận hành cả 1 thành phố cỡ nhỏ.
- Có thể phục vụ 18.000 đến 20.000 bữa ăn mỗi ngày.
- Kho lương thực đủ nuôi 6.000 người trong 70 ngày.
- 2 tiệm hớt tóc, cắt cho hơn 1.500 cái đầu mỗi tuần.
- Văn phòng Bưu điện trên tàu xử lý hơn 450 tấn thư từ mỗi năm.
- Phòng khám nha khoa với 5 nha sĩ.
- Khu y tế có 80 giường bệnh và 6 bác sĩ có thể làm việc bất cứ lúc nào, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật.
- 4 máy chưng cất nước có thể cung cấp hơn 1,5 triệu lít nước mỗi ngày dùng cho sinh hoạt và vận hành TSB.
Điểm nổi bật dễ thấy nhất của TSB đó là chúng có một boong tàu bằng phẳng và dài. Boong tàu được dùng để đậu máy bay và cũng là đường băng để các máy bay cất và hạ cánh. Vì đường băng trên TSB có chiều dài hạn chế nên người ta phải lắp thêm các hệ thống phóng máy bay bằng hơi nước để giúp chúng dễ cất cánh hơn.
Ngoài việc "nuôi giữ" hàng chục máy bay có chức năng tấn công ra, TSB còn được trang bị nhiều loại súng ống, tên lửa và các trang thiết bị hiện đại đủ để phòng thủ cũng như tiêu diệt các tàu chiến, máy bay khác dám bén mảng đến gần. Kết hợp với các tàu hộ tống, tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay trên không, TSB sẽ trở thành trung tâm của một đội hình tác chiến vừa có khả năng chiến đấu cao, phòng thủ tốt lại vừa có thể di chuyển đến khắp các vùng biển với vận tốc tương đương 60 km/h. Cho phép quân đội một nước có thể đưa quân vào các lãnh thổ trong đất liền mà không cần quan tâm nơi đó có căn cứ quân sự của mình hay không, vì thực chất TSB đã là một căn cứ quân sự rồi.
Các thành phần chủ yếu có trên boong tàu:
- 4 bệ phóng (đường băng): Bệ phóng dùng để đẩy và phóng máy bay từ boong tàu lên không trung trong thời gian ngắn.
- Trạm điều khiển bệ phóng: Có chức năng tính toán và điều khiển lực đẩy cần thiết để phóng máy bay lên, tùy vào từng loại máy bay mà người ta cần phải tính toán lực đẩy cho phù hợp. Lực đẩy quá yếu hay quá mạnh đều gây ra nguy hiểm cho máy bay lẫn phi công.
- Thang máy nạp vũ khí: Vận chuyển vũ khí từ dưới kho lên boong tàu để các thủy thủ lắp vào máy bay.
- Thang máy: Vận chuyển máy bay từ dưới khoang chứa lên boong tàu để chuẩn bị bay.
- Tháp đảo: Trung tâm điều khiển tàu, trung tâm chỉ huy tác chiến của các chỉ huy và đô đốc.
- Hàng rào lưới: Dùng để phanh gấp các máy bay hạ cánh trong tình huống khẩn cấp. Các máy bay sẽ bay thẳng vào lưới này để giảm vận tốc cho đến khi dừng lại hoàn toàn.
- Khối ăng-ten: Chứa các ăng-ten, radar.
- Cáp giữ máy bay khi hạ cánh: có 4 dây cáp, máy bay khi hạ cánh lên TSB sẽ thả một cái móc ở phía đuôi máy bay ra, cái móc này sẽ móc vào sợi dây cáp để giữ máy bay lại.
- Đầu chặn ống xả từ động cơ máy bay: Các máy bay phản lực khi khởi động sẽ tạo ra một lực đẩy vô cùng lớn ở phía sau động cơ của nó, người ta đặt các đầu chặn ngay phía đuôi máy bay để hướng lực đẩy đó lên phía trên, để không ảnh hưởng đến các thủy thủ trên tàu.
- Hệ thống đèn chỉ dẫn hạ cánh: Nằm gần đường băng, bao gồm nhiều đèn tín hiệu có chức năng báo hiệu cho phi công hạ cánh.
- Mk-15 Phalanx CIWS: Súng máy chống tên lửa, định hướng bằng Radar.
- Mk-29 Sea Sparrow SAM Launcher: Tên lửa dẫn đường chống máy bay, chống tên lửa.
2. CẤU TRÚC CỦA MỘT TÀU SÂN BAY:
TSB là loại tàu có cấu trúc vô cùng phức tạp bởi nó kiêm nhiệm quá nhiều chức năng. Có thể kể ra một số chức năng như vận chuyển máy bay xuyên đại dương, phóng và hạ cánh máy bay, trung tâm chỉ huy di động cho các nhiệm vụ quân sự, là nơi sinh hoạt, làm việc của hàng ngàn thủy thủ đoàn... do đó, nó cần có những thứ sau đây:
- Đường băng: dùng cho máy bay cất và hạ cánh.
- Khoang chứa máy bay: Nằm bên trong thân TSB, chứa các máy bay không sử dụng.
- "Tháp đảo": Phần công trình nhô lên trên boong tàu, dựng các loại ăng-ten. Nơi các viên chỉ huy điều khiển con tàu và máy bay.
- Hệ thống phòng ốc cho các thủy thủ sinh hoạt và làm việc.
- Động cơ điện và hệ thống động cơ đẩy để di chuyển toàn bộ con tàu, tạo ra điện để sử dụng. Nimitz dùng động cơ điện hạt nhân.
- Một loạt các hệ thống khác tương tự như trong thành phố như hệ thống cống, xử lý rác thải, thư từ, Radio, TV, báo, nhà máy xử lý nước, kho lương thực...
- Thân tàu.
3. CẤT CÁNH TỪ TÀU SÂN BAY:
Boong của TSB là một trong những nơi có môi trường làm việc nguy hiểm nhất thế giới. Do mật độ cất/hạ cánh trên boong tàu khá lớn và diễn ra trên một không gian chật hẹp nên dù chỉ một sai sót nhỏ, một phút lơ là không cảnh giác là bạn có thể bị hút vào động cơ máy bay hoặc bị thổi bay xuống biển. Ngoài ra, nếu phi công hạ cánh không tốt dẫn đến tai nạn thì những thủy thủ trên boong cũng sẽ dễ gặp nạn.
Một chiếc máy bay muốn cất cánh cần phải có đường băng đủ dài để tăng tốc (ngoại trừ trực thăng), trong điều kiện đường băng khiêm tốn như trên TSB thì người ta phải dùng tới các bệ phóng đặc biệt để giúp nó tăng tốc cực kỳ nhanh mà không cần đến đường bằng dài. Bên cạnh đó, người ta còn có thể cho tàu chạy ngược chiều gió để lợi dụng sức gió tác động lên cánh máy bay giúp nó dễ cất cánh hơn.
Nhìn từ bên ngoài, bệ phóng của TSB khá đơn giản do nó chỉ gồm có một cái chốt nằm chính giữa đường băng. Người ta đưa máy bay vào đường băng, gắn bánh xe của chúng vào cái chốt này và cái chốt sẽ đẩy nó đi với một lực cực lớn, giúp máy bay tăng tốc nhanh hơn bình thường và bay lên dễ dàng. Tuy nhiên, bên dưới bệ phóng đó là cả một hệ thống gồm nhiều piston và xylanh dẫn động, lấy năng lượng từ động cơ hơi nước của tàu để tạo ra lực đẩy. Bên cạnh các đường băng, bạn sẽ thấy có một cái ụ nhỏ được lắp cửa sổ bằng kính giống như đài quan sát, gọi là trạm điều khiển bệ phóng (Catapult Control Station), bên trong trạm này, các thủy thủ sẽ tính toán lực đẩy cần thiết để phóng máy bay, máy bay khác nhau cần lực đẩy khác nhau. Nếu tính toán sai, lực đẩy quá yếu, máy bay sẽ không bay lên được và rớt xuống biển, còn nếu lực đẩy quá mạnh thì có thể gây ra hư hại cho thiết bị và nguy hiểm đến mọi người. Vì vậy mà mọi thứ cần phải được chính xác. Nếu tính toán đúng, một bệ phóng có thể đưa một chiếc máy bay nặng 20 tấn tăng tốc từ 0 - 266 km/h chỉ trong vòng 2 giây.
Và trong khi các thủy thủ đưa máy bay vào bệ phóng thì các thủy thủ khác sẽ cho nâng đầu chặn ống xả máy bay lên, đó là một tấm kim loại lớn gắn ở phía đầu bệ phóng. Bởi khi khởi động, lực đẩy từ các động cơ của máy bay tạo ra là rất lớn, có thể thổi bay những người đứng phía sau nó xuống biển nên người ta phải chặn nó lại bằng tấm thép này. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, thủy thủ đứng dưới trạm điều khiển bệ phóng sẽ bấm nút để bệ phóng hoạt động, đưa máy bay bay lên.
4. HẠ CÁNH XUỐNG TÀU SÂN BAY:
Hạ cánh xuống TSB cũng nguy hiểm không kém gì lúc cất cánh. Vì phi công phải đáp xuống đường băng chỉ dài có 150 mét, máy bay đang bay hết tốc lực và trên boong thì đang có nhiều thủy thủ và các máy bay khác. Nếu hạ cánh trong đêm hay ngày có nhiều sương mù với tầm nhìn bị hạn chế thì mức độ khó khăn và nguy hiểm cũng tăng lên rất nhiều.
Để hạ cánh, khi máy bay hạ độ cao gần bằng với boong tàu, phi công phải thả một cái móc ở phía đuôi máy bay ra. Cái móc này sẽ móc vào 1 trong 4 sợi cáp bằng thép ở phía cuối đường băng. Nếu móc trúng, sợi cáp sẽ giữ cho máy bay dừng hẳn lại và coi như đã hạ cánh thành công. Còn nếu không móc trúng, phi công phải cho máy bay bay lên lại thêm một vòng nữa để hạ cánh lần thứ 2, đây chính là lý do vì sao lúc hạ cánh, phi công không được giảm tốc độ mà phải để máy bay bay hết công suất, để lỡ không móc trúng sợi cáp thì vẫn có thể bay lên lại ngay lập tức.
4 sợi cáp trên không đơn giản chỉ là sợ dây gắn chặt ở 2 đầu mà nó được nối với các ống xylanh thủy lực bên dưới đường băng. Khi máy bay móc trúng sợi cáp, nó sẽ kéo sợi cáp ra, đồng thời hệ thống thủy lực sẽ hấp thu hết nguồn năng lượng của máy bay làm cho nó dừng hẳn lại. Do đó, sợi cáp có thể chặn một máy bay nặng 24,5 tấn đang bay với vận tốc 241 km/h dừng hẳn lại trong vòng 2 giây trên một đường băng dài có 96 mét. Người ta đặt 4 sợi cáp này nằm song song với nhau và mỗi sợi cách nhau 15 mét. Thông thường, phi công sẽ nhắm vào sợi cáp thứ 3 để móc vào vì đây là khoảng cách an toàn và hiệu quả nhất để hạ cánh. Họ không bao giờ chọn dây thứ nhất vì rất dễ đâm sầm vào phần đuôi của tàu.
Việc hạ cánh trên TSB được điều khiển bởi trạm không lưu tương tự như các sân bay trên mặt đất. Các máy bay cần phải "xếp hàng" chờ đến lượt mình được hạ cánh, theo nguyên tắc ai còn ít nhiên liệu thì xuống trước, ai còn nhiều thì xuống sau. Các thủy thủ trên boong sẽ dùng radio để liên lạc với phi công hướng dẫn họ hạ cánh, trong điều kiện thời tiết xấu hay tầm nhìn kém thì họ còn dùng tới đèn báo hiệu để chỉ dẫn cho phi công. Sau khi hạ cánh thành công, người ta sẽ kéo máy bay ra khỏi vùng hạ cánh và cho nó vào bãi đậu chung với những máy bay khác. Tại đây chúng được cố định chắc chắn trên boong để không bị xê dịch mỗi khi tàu di chuyển.
Bên cạnh việc bảo vệ cho phi công và máy bay được an toàn, người ta cũng không quên trang bị những thứ cần thiết để bảo vệ tính mạng của những thủy thủ làm việc trên boong. Thứ nhất là lắp đặt nhiều lưới xung quanh boong tàu để ngăn không cho ai bị rớt xuống biển, hai là trang bị áo phao, đèn báo hiệu phòng trường hợp bị rơi xuống biển và sau cùng là một chiếc mũ bảo hiểm cỡ lớn để bảo vệ đầu và tai khỏi những âm thanh gầm rú của động cơ máy bay.
5. THÁP ĐẢO (ISLAND):
Tháp đảo chính là phần công trình nhô lên trên boong tàu, nơi bạn thấy có nhiều ăng-ten nhất. Đây chính là trung tâm chỉ huy của TSB, nơi điều khiển mọi hoạt động như lái tàu, điều khiển máy bay cất/hạ cánh và cũng là nơi làm việc của các cấp chỉ huy. Tòa tháp cao khoảng 46 mét, phần đáy (tầng trệt) rộng chừng 6 mét còn các tầng trên thì được nới rộng ra hơn.
Trên đỉnh của tháp đảo có rất nhiều ăng-ten dùng để định vị và theo dõi các tàu thuyền/máy bay xung quanh, phát hiện máy bay địch, tên lửa địch, can thiệp và gây nhiễu sóng radar của đối phương, thu nhận tín hiệu vệ tinh cho điện thoại và TV... Tầng bên dưới là trạm không lưu điều khiển máy bay cất/hạ cánh trên boong tàu và trong bán kính 8 km. Tầng dưới nữa là trung tâm chỉ huy, nơi thuyền trưởng trực tiếp ra lệnh điều khiển tàu như hướng di chuyển, tốc độ, định vị... Và tầng dưới nữa chính là trung tâm chỉ huy dành cho cấp Đô đốc, chịu trách nhiệm cho cả hạm đội bao gồm TSB, tàu hộ tống, tàu ngầm, máy bay...
Bên dưới tầng này nữa (tầng trệt) là các trung tâm vận hành đường băng, có nhiệm vụ theo dõi và quản lý tất cả máy bay trên boong lẫn trong khoang chứa máy bay. Trong tầng này, người ta làm việc trên một cái bàn nhựa gọi là "Ouija Board". Chiếc bàn này mô phỏng y hệt như boong tàu thật. Trên đó có các mô hình máy bay tượng trưng cho các máy bay hiện có trên boong, mỗi khi có chiếc nào di chuyển từ điểm A sang điểm B thì họ cũng di chuyển mô hình theo tương tự, hoặc có chiếc nào bị hư cần sửa chữa thì họ lật úp mô hình của nó xuống. Thật bất ngờ khi mà trên con tàu ứng dụng nhiều công nghệ cao và hiện đại như TSB vẫn phải sử dụng cách quản lý bằng tay này.
Bên dưới tầng trệt (dưới boong tàu) là một trạm không lưu khác nữa nhưng có tầm quan sát rộng hơn trạm không lưu trên tháp đảo. Trạm không lưu này sẽ theo dõi toàn bộ máy bay trong cả khu vực xung quanh tàu. Kế bên trạm này còn có trung tâm tác chiến (Combat Direction Center), nơi điều khiển hệ thống chiến đấu của tàu (các ụ súng phòng không, súng máy), có nhiệm vụ xử lý thông tin từ các mối đe dọa thù địch để báo cáo lên cấp chỉ huy.
6. KHOANG CHỨA MÁY BAY:
Với số lượng máy bay lên đến gần trăm chiếc, boong tàu chắc chắn không thể chứa đủ, vì thế người ta đã thiết kế hẳn một khoang chứa nằm bên dưới boong tàu và xem nó như một ga-ra máy bay, dùng để chứa những chiếc máy bay không sử dụng.
Khoang chứa máy bay rộng khoảng 34 mét, cao 8 mét, dài 209 mét, tương đương 2/3 chiều dài của tàu và được chia thành 4 khu vực ngăn cách nhau bởi các tấm cửa kéo, có tác dụng ngăn chặn lửa lây lan khi có cháy. Nó có sức chứa khoảng 60 máy bay cùng rất nhiều động cơ dự phòng, thùng nhiên liệu và một số phụ tùng khác. Phía ngoài của khoang chứa có 4 thang máy thủy lực dùng để đưa máy bay từ dưới khoang lên boong tàu. Mỗi cái có thể đưa cùng lúc 2 máy bay có tải trọng 34 tấn mỗi chiếc lên boong dễ dàng.
Ở phía cuối của khoang chứa còn có khu bảo trì và sửa chữa máy bay gọi là Aircraft Intermediate Maintenance Division. Các thủy thủ ở đây sẽ sửa chữa những máy bay bị hư hỏng, kiểm tra từng loại phụ tùng và thậm chí cho "chạy thử" cả một động cơ phản lực trong khu vực thử động cơ.
7. CUỘC SỐNG TRÊN TÀU SÂN BAY:
Những siêu hàng không mẫu hạm như USS Nimitz được mệnh danh là "thành phố trên biển cả" bởi nó là nơi sinh hoạt, ăn ngủ nghỉ, làm việc và giải trí của khoảng 5000 - 6000 người trong nhiều tháng liền. Tuy làm việc trên biển nhưng có rất nhiều người trong số đó thậm chí không nhìn thấy mặt trời trong nhiều tuần liền, đặc biệt là những cô cậu lính mới. Boong tàu, khoang chứa máy bay và đuôi tàu là những nơi tuyệt vời để ngắm cảnh nhưng vì môi trường làm việc ở đó quá nguy hiểm và chật hẹp nên họ thường không được phép lên đây. Họ cũng không được phép có mặt trên tháp đảo vì nơi đó quá chật chội và chứa nhiều thông tin nhạy cảm.
Bên trong TSB mới là một thành phố thật sự, tuy nhiên nó hơi chật chội nên người ta phải khom người và luồn lách nếu muốn đi từ nơi này sang nơi khác. Ở đây người ta chia ra thành nhiều khu, mỗi khu có khoảng 60 người, ngủ trên những chiếc giường treo được kê khá chật chội. Mỗi người đều có thùng đồ riêng để cất vật dụng cá nhân của mình. Ở mỗi khu còn có 1 phòng tắm chung, phòng sinh hoạt tập thể có TV vệ tinh. Phòng của chỉ huy có cơ sở vật chất tốt hơn nhưng vẫn phải chịu cảnh chật hẹp như thường.
Tuy có khá nhiều việc làm trên TSB nhưng tựu chung lại thì có thể chia thành hai nhóm, một nhóm gồm khoảng 2.500 nam thanh nữ tú, là các phi công lái và bảo trì máy bay. Nhóm còn lại khoảng 3.000 người có nhiệm vụ chung là điều hành con tàu. Những người trong nhóm đầu chỉ quan tâm đến máy bay, còn công việc của nhóm thứ hai thì đa dạng hơn, từ các việc "hạng nhẹ" như rửa chén, nấu ăn cho đến các việc "hạng nặng" như chăm lo vũ khí và bảo trì lò phản ứng hạt nhân. Ngoài ra, TSB còn có rất nhiều nhà bếp, phòng giặt ủi, phòng khám nha khoa, bệnh viện, phòng điện thoại, bưu điện và rất nhiều cửa hàng nhỏ lẻ khác.
8. CÁC CÔ CẬU XANH, ĐỎ, TÍM, VÀNG... TRÊN BOONG:
Trên boong tàu có rất nhiều thủy thủ cùng làm việc với nhau, mỗi thủy thủ đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Nhìn vào màu áo của mỗi người, ta có thể biết được công việc của họ là gì:
- Áo XANH LÁ: Nhân viên bảo trì, bảo dưỡng máy bay, đường băng.
- Áo XANH DƯƠNG: Vận hành thang máy, xe kéo.
- Áo ĐỎ: Tiếp tế đạn dược, bom, tên lửa cho máy bay.
- Áo TÍM: Tiếp nhiên liệu, xăng dầu cho máy bay.
- Áo VÀNG: Hướng dẫn cho phi công và máy bay cất cánh.
- Áo TRẮNG: Nhân viên hướng dẫn hạ cánh, thanh tra máy bay, nhân viên y tế...
9. HỆ THỐNG VŨ KHÍ/TẤN CÔNG CỦA TÀU SÂN BAY:
Nhắc đến TSB thì người ta hay nghĩ tới sức mạnh khủng khiếp của nó. Vậy sức mạnh của TSB nằm ở đâu? Bao gồm những loại vũ khí gì?
Trước đây mình nghĩ TSB có rất nhiều súng ống, đại bác và tên lửa trên boong, là một pháo đài nổi trên biển. Nhưng thực tế số lượng các ụ súng trên tàu không nhiều, ví dụ như chiếc siêu hàng không mẫu hạm cỡ lớn như USS Nimitz cũng chỉ có 6 ụ súng và chia làm 2 loại, chúng có chức năng phòng thủ là chính nhưng đôi lúc cũng có thể dùng để tấn công, bao gồm:
- 3 ụ súng máy Mk-15 Phalanx CIWS: Súng máy chống tên lửa, định hướng bằng radar.
Súng máy hiện đại, chức năng: phòng thủ, chống tên lửa diệt hạm. Dùng đạn: 20 mm, tầm bắn hiệu quả: 3,6 km, tốc độ bắn: 4.500 viên/phút (75 viên/giây), hộp tiếp đạn: 1.550 viên, nặng: 6,2 tấn. - 3 ụ tên lửa phòng không Mk-29 Sea Sparrow SAM Launcher: Tên lửa dẫn đường chống máy bay, chống tên lửa diệt hạm.
Bao gồm 8 ổ tên lửa có chức năng: phòng không, bắn máy bay, chống tên lửa diệt hạm. Tốc độ tên lửa: 4.250 km/h, tầm hoạt động: 18,5 km. Dẫn đường bằng radar.
Ví dụ, tàu USS Nimitz có khoảng 90 máy bay, được chia thành 9 tổ đội, bao gồm các loại máy bay sau:
- F/A-18F Super Hornet: Máy bay tiêm kích chiến đấu đa chức năng, 2 chỗ ngồi. Khả năng tấn công ngày và đêm ở trên không, trên biển lẫn mặt đất. Được trang bị nhiều loại vũ khí dẫn đường và khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
- F-14 Tomcat: Máy bay siêu âm chiến đấu 2 chỗ ngồi. Có khả năng chiến đấu trên không vượt trội và là thành phần chủ chốt trong đội hình bảo vệ TSB.
- E-2C Hawkeye: Máy bay mang radar cảnh báo sớm trên không. Có chức năng thu thập tình hình quân địch.
- S-3B Viking: Phi cơ chuyên "làm thịt" các loại tàu ngầm.
- EA-6B Prowler: Máy bay 2 động cơ có chức năng gây nhiễu radar đối phương và làm tắc nghẽn hệ thống liên lạc của địch.
- SH-60 SeaHawk: Máy bay trực thăng 2 động cơ. Chuyên dùng để tấn công tàu ngầm và làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ.
Do kích thước siêu lớn của mình mà TSB rất dễ trở thành mồi ngon cho đối phương. Vì vậy để đảm bảo an toàn, người ta thường bố trí nhiều tàu hộ tống cho nó, giúp nó không bị đơn độc trên biển cả. Một đội hình bảo vệ sẽ gồm bảo vệ từ trên không, trên mặt nước và cả dưới mặt nước. Bao gồm các lớp:
- Lớp trong cùng, gần TSB nhất: 1 tàu tiếp tế, có chức năng cung cấp nhiên liệu, đạn dược, lương thực cho TSB.
- Lớp tiếp theo: 1 tàu tuần dương (Cruiser) mang theo tên lửa dẫn đường.
- Lớp tiếp nữa: 2 tàu khu trục (Destroyer) mang theo tên lửa dẫn đường.
- Lớp tiếp tiếp nữa, bên dưới: 1 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles (LA), chạy bằng năng lượng hạt nhân.
- Lớp ngoài cùng, trên cao: Phi đội máy bay F/A-18F Super Hornet, bay cách TSB 460 km.
Phi đội máy bay F/A-18F Super Hornet bảo vệ lớp ngoài cùng
--------------- .:: HẾT ::. ---------------
=MỘT SỐ HÌNH ẢNH THAM KHẢO=
F-14 Tomcat
E-2C Hawkeye
3B-Viking
EA-6B Prowler
SH-60 SeaHawk
2 lò phản ứng hạt nhân của tàu sân bay
Hệ phóng phóng bên dưới đường băng
Cấu trúc bên trong tàu sân bay
Thang máy vận chuyển máy bay từ khoang chứa lên boong tàu
4 dây cáp hạ cánh ở cuối đường băng
Hệ thống đèn chỉ dẫn hạ cánh
Thủy thủ VÀNG hướng dẫn máy bay vào đường băng, chuẩn bị cất cánh
Thủy thủ ĐỎ tiếp tế đạn dược
Thủy thủ TÍM tiếp nhiên liệu
Thủy thủ XANH bảo trì máy bay
Bên trong trạm điều khiển bệ phóng
Nạp tên lửa vào ụ súng phòng không Mk-29 Sea Sparrow SAM Launcher
No comments:
Post a Comment