Tuesday, August 9, 2011

Chiến lược đại dương của Trung Quốc

Trung Quốc đề ra chiến lược đại dương gồm hai mũi nhọn, và đang thực hiện chiến lược đó bằng chương trình hiện đại hóa và xây dựng lực lượng đầy ấn tượng.
Trong suốt một thập kỷ qua, khi phương Tây đang bận rộn chiến đấu với những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Trung Á, Trung Quốc đã bắt tay vào một nỗ lực khổng lồ và nhanh chóng, nhằm đưa quốc gia này trở thành một cường quốc hải dương ở Tây Thái bình dương và Ấn Độ dương. Đó là nhận xét của Robert C. O"Brien, luật gia nổi tiếng và từng là đại diện của Mỹ phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 60. Ông viết về chiến lược đại dương của Trung Quốc trên tờ The Diplomat, tạp chí chuyên sâu về châu Á Thái Bình dương xuất bản online tại Nhật.
Trung Quốc nhiều năm qua tập trung chi tiêu cho lực lượng lục quân của Quân đội Giải phóng nhân dân, còn không quân và hải quân không được chú trọng bằng. Tuy nhiên, với việc trình làng tàu sân bay đầu tiên - dự kiến vào tháng 8 - thì cả thế giới, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, đều nhận thấy rõ ràng rằng mọi sự đã thay đổi lớn. Trung Quốc có tham vọng đại dương, và tham vọng đó được hậu thuẫn bởi công cuộc xây dựng lực lượng hải dương lớn chưa từng thấy trên thế giới kể từ đầu thế kỷ trước, khi Hoàng đế Wilhelm II (trị vì Đức và Phổ từ 1888 đến 1918) quyết định thách thức sức mạnh hải quân của Anh với việc xây dựng một hạm đội đại dương.
Máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Ảnh: Defensetalk. Theo O"Brien, sự lớn mạnh của lực lượng hải dương Trung Quốc dựa trên một chiến lược gồm hai mũi nhọn. Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Mỹ và các cường quốc trên biển khác tiếp cận vùng nước lân cận quốc gia, gồm Hoàng Hải, Hoa Đông và Hoa Nam (Việt Nam gọi là Biển Đông).
Điều này (1) tương tự như Mỹ từng làm với vùng biển Caribbea trong thế kỷ 20, và từ đó hải quân Mỹ có thể tung hoành khắp thế giới; (2) kiểm soát các nguồn tài nguyên và quần đảo tranh chấp như Trường Sa và Điếu Ngư/Senkaku trong khu vực lân cận; và (3) tạo cho Trung Quốc khả năng tái thống nhất Đài Loan về đại lục mà không bị vướng sự can thiệp của Mỹ, nếu có. Những cuộc va chạm hoặc quấy rối của các tàu Trung Quốc với tàu của các nước khác như Mỹ, Việt Nam và Philippines trong thập kỷ qua là bằng chứng cho thấy một quyết tâm ngày càng cao trên mặt trận này.
Thứ hai, Trung Quốc tìm kiếm danh tiếng cũng như khả năng triển khai lực lượng trên các tuyến hàng hải ở Thái Bình dương và Ấn Độ dương, bằng cách đưa vào sử dụng các tàu sân bay và máy bay tiêm/cường kích thế hệ thứ 5. Nền kinh tế phát triển vũ bão của Trung Quốc đòi hỏi nguyên nhiên liệu từ châu Phi và Trung Đông, và vì thế việc bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương và eo Malacca là trọng trách mà Bắc Kinh tất nhiên không muốn nhường cho những cường quốc khác.
Ngân sách chính thức dành cho quân sự của Trung Quốc năm 2011 là 91,5 tỷ USD, lớn gấp nhiều lần so với con số của năm 2000 là 14,6 tỷ. Trung Quốc thừa nhận rằng hiện nay một phần ba ngân sách quốc phòng là để chi cho hải quân. (Những con số này vẫn bị phương Tây nghi ngại cho là dưới mức thực tế nhiều). Trong khi đó, tiền chi cho binh sĩ, thủy thủ và phi công ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các nước phương tây - nơi mà tiền dành cho quân nhân chiếm một miếng lớn trong cái bánh ngân sách. Điều này cho phép Trung Quốc chi phần lớn ngân sách quốc phòng vào việc mua sắm và phát triển các hệ thống vũ khí. Trong khi các nước phương tây giảm thì Trung Quốc tăng chi cho quốc phòng và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình hiện đại hóa lực lượng hải dương của Trung Quốc là ngăn chặn. Chiến lược ngăn chặn sẽ dựa trên hai phương tiện đóng vai trò xương sống, thứ nhất là tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21 Đông Phong (ASBM), thường được mệnh danh là "sát thủ chống hàng không mẫu hạm""; thứ hai là hạm đội tàu ngầm đang được mở rộng hơn bao giờ hết.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Mới đây nước này cho biết sẽ sử dụng con tàu này để phục vụ công tác huấn luyện. Ảnh: US Navy. Tư lệnh hải quân Mỹ ở Thái Bình dương, đô đốc Robert F. Willard từng đánh giá rằng tên lửa Đông Phong đã đạt đến giai đoạn có thể triển khai, nhưng chưa nhất thiết được triển khai. Các nguồn tin Đài Loan thì cho hay Trung Quốc đại lục đã triển khai tới 20 tên lửa đạn đạo chống hạm như thế. Cho dù các tên lửa này đã hay sẽ được triển khai trong tương lai gần, thì Mỹ đều tin rằng Trung Quốc đã xây dựng được khả năng thu thập tin tức, theo dõi và trinh sát, điều khiển và chỉ huy trên không, cũng như trên mặt đất liên quan đến Đông Phong. Trung Quốc cũng đã sử dụng một loạt các thiết bị cảm biến và giám sát mặt đất và trên biển nhằm thu thập và cung cấp thông tin về mục tiêu cho tên lửa Đông Phong. Tầm bắn 2.600 km của tên lửa này, theo các tin tức có được gần đây, sẽ là điều khiến các nhà hoạch định chiến lược hải quân các nước đau đầu khi tính đến chuyện hoạt động gần bờ biển của Trung Hoa.
Chương trình tàu ngầm của Trung Quốc rất mạnh. Trong suốt thời chiến tranh lạnh, nước này hầu hết sử dụng các tàu ngầm hoạt động gần bờ do Liên Xô chế tạo. Những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu mua tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo do Nga sản xuất, và sau đó bắt tay vào phát triển hai chiếc tàu ngầm cùng loại lớp Song, mỗi năm chế tạo hai chiếc trong suốt hai thập niên qua. Nước này cũng nghiên cứu chế tạo cả tàu tấn công diesel-điện lớp Yuan, có hệ thống cánh quạt chạy cực êm. Các chuyên gia quân sự cho rằng trong những năm tới đây Trung Quốc sẽ cho ra mắt các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Shang, củng cố cho hạm đội tàu ngầm vốn đã mạnh của họ. Chắc chắn Trung Quốc hiểu rằng khả năng chiến đấu của hải đội tàu ngầm Mỹ đã tăng tiến kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên năng lực của hải quân Trung Quốc còn vươn xa hơn nhiều so với yêu cầu ngăn chặn, nó còn để thể hiện sức mạnh. Điều đang gây chú ý đối với cộng đồng quốc tế là chiếc tàu sân bay đầu tiên sắp thử nghiệm cũng như các phi cơ chiến đấu/ném bom thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng vừa công khai việc đóng hàng không mẫu hạm thứ hai, lớn hơn chiếc Varyag, và dự kiến sẽ xong trong năm 2015. Cường quốc mới nổi này đang lập kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba, và sau đó có thể là các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân nữa, vào 2020.
Đóng vai trò quan trọng ngang với các tàu chiến là các máy bay chiến đấu triển khai trên hàng không mẫu hạm. Lực lượng chủ yếu của hải quân PLA là các tiêm kích J-15 Flying Shark (Cá mập bay), tương đương chiến đấu cơ F-14 Con ma của Mỹ đã nghỉ hưu. Phi cơ J-15 chỉ có tầm hoạt động hạn chế do phụ thuộc yếu tố tải trọng khi cất cánh trên đường băng.
Tuy nhiên nhiều người tin rằng với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ hàng không cũng như hệ thống phóng trên các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, thì tính năng của J-15 cũng sẽ có thể sánh ngang với F-18 Super Hornet của hải quân Mỹ. Trung Quốc cũng có thể sẽ phát triển máy bay trinh sát và cảnh báo sớm (AWACS) và đây sẽ là một tiến bộ đáng kể. Một tấm ảnh trên Internet xuất hiện hồi tháng 5 cho thấy một góc của mô hình giống hệt như máy bay trinh sát và cảnh báo sớm Yak-44 do Liên Xô đề ra ý tưởng, có thiết kế tương đồng với E-2 Hawkeye của Mỹ.
Báo chí thế giới tập trung chú ý vào chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, chiếc J-20, tại Thành Đô, Tứ Xuyên, đúng vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đang ở thăm Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tin tức về J-20 xuất hiện trên bản tin tối của các đài truyền hình toàn thế giới.
Sự phát triển nhanh chóng và thành tựu công nghệ hiện đại của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ và thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp khả năng quân sự cũng như chương trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Rõ ràng là giờ đây thế giới đang chứng kiến một cường quốc hải quân mới, sau gần 200 năm thống trị của sức mạnh hải quân Anh - Mỹ.

No comments:

Post a Comment