Thursday, August 11, 2011

Bán tàu Varyag cho Trung Quốc - sự ngây thơ hay tính toán chiến lược?

Tàu sân bay đóng dở Varyag mua từ Ukraine gần 13 năm trước sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực Nam Á.

Dường như đó là ý nghĩa của những bài báo đăng trong tuần qua trên nhiều báo chí nước ngoài. Chuyện nói về tàu sân bay Varyag năm 1998 được Ukraine bán đi với giá 20 triệu USD cho hãng Chong Lot ở Macao. Một trong những điều kiện chủ yếu của hợp đồng là người mua bảo đảm không sử dụng Varyag theo chức năng trực tiếp của nó, - hãng Macao công bố kế hoạch cải tạo nó thành sòng bạc nổi.

Nhưng 13 năm trôi qua và Trung Quốc, mà Macao là bộ phận không tách rời của nó vào năm 1999, cuối cùng đã thừa nhận rằng, con tàu của Ukraine được đóng hoàn thiện và sẽ trở thành... tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc(!). Thông tin này là kháu mâu thuẫn đối với Ukraine - thoạt nhìn, tất cả có vẻ như người Trung Quốc đã “xỏ mũi” Ukraine, nhưng nếu như tìm hiểu thì có thể tìm thấy những lý do nào đó để mà tự hào...
Tàu Thi Lang vừa ý nghĩa biểu tượng của sức mạnh Trung Hoa
vừa là công cụ hăm dọa các nước nhỏ ở Đông Nam Á
Ngây thơ hay tính toán chiến lược?

Mùa xuân năm nay, chính phủ Trung Quốc xác nhận chính thức rằng, tàu Varyag nay được đổi tên thành Thi Lang sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nhưng bổ sung là tàu này sẽ là tàu huấn luyện. Dự kiến nó sẽ ra khơi vào mùa thu  2011. Nói về khái niệm “huấn luyện” thì nó có ý nghĩa ước lệ giống như máy bay huấn luyện-chiến đấu có thể là máy bay huấn luyện cũng như máy bay chiến đấu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Thi Lang có thể được sử dụng như một đơn vị tàu chiến đấu, chứ không chỉ là bệ mang huấn luyện.

Vì thế, nhiều báo chí phương Tây đăng tải các bài báo bày tỏ lo ngại về việc Thi Lang sẽ làm thay đổi sự bố trí lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương và sẽ là cái cớ phát động cuộc chiến tranh lạnh trên biển bởi vì Bắc Kinh không giấy giếm ý muốn đối chọi sức mạnh quân sự Mỹ. Ukraine trong các bài báo này nếu có được nhắc đến thì cũng qua loa với tư cách quốc gia đã bán tàu Varyag cho Trung Quốc. Nhưng cũng không ai nhớ ra là khách hàng mua tàu đã hứa không sử dụng nó vào mục đích quân sự. Có lẽ, Ukraine cần nhớ ra chuyện này bởi chính Ukraine được người ta hứa hẹn, hoặc là tất cả không đơn giản như thế và ban lãnh đạo Ukraine khi đưa ra quyết định bán Varyag đã hiểu rõ nó được mua để làm gì?

Theo Giám đốc các chương trình nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu các vấn đề địa chính trị và hợp tác Châu Âu-Đại Tây Dương khu vực Biển Đen NOMOS, ông Pavel Lakyichuk, thì sẽ là ngu ngốc nếu cáo buộc Trung Quốc vi phạm điều kiện mua bán tàu Varyag. “Chúng ta đã bán tàu không phải cho Trung Quốc mà là Macao, vốn nay không còn tồn tại như một thể chế nhà nước độc lập, còn Trung Quốc thì chẳng cam kết gì với chúng ta cả”, - chuyên gia này nói.

Ông cũng nhận xét rằng, 13 năm trước, người Mỹ chẳng lo lắng gì mấy với chuyện bán tàu Varyag vì họ không thể tin là Trung Quốc có thể xử lý được với dự án này. “Trung Quốc lúc đó chẳng hề có kinh nghiệm lẫn công nghệ, còn điều quan trọng nhất là họ không có tiêm kích trên hạm, mà không có nó thì đóng tàu sân bay chẳng còn ý nghĩa gì cả. Hiện nay, Trung Quốc có mọi cái cần thiết. Không được quên là sự xuất hiện của tiêm kích trên hạm Trung Quốc J-15 vốn làm nhái Su-33 của Nga cũng không thể không có sự tham gia của Ukraine. J-15 do các công trình sư Trung Quốc chế tạo dựa trên mẫu tiêm kích chế thử Т10К bị bỏ lại Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ và đã được bán cho Trung Quốc năm 2005”, - ông P. Lakyichuk nói.

Khi đánh giá sự đóng góp của Ukraine vào việc đóng hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng, khi tiến hành công việc cải tạo tàu này, Trung Quốc đã huy động các chuyên gia của Nhà máy đóng tàu Biển Đen và hãng Ukrspetsexport làm tư vấn. Như vậy, có thể nói rằng, sự hợp tác kỹ thuật quân sự trong lĩnh vực tàu sân bay giữa Ukraine và Trung Quốc không hề chỉ hạn chế ở khoản tiền 20 triệu USD mà phía Trung Quốc đã thanh toán cho tàu Varyag. “Tổ hợp khoa học-sản xuất chế tạo turbine khí Nikolayev Zorya-Mashprojekt đã cung cấp hệ thống động cơ cho tàu Varyag đóng hoàn thiện, còn nay người Trung Quốc đang đàm phán về việc cung cấp động cơ Ukraine cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc hiện đang được phát triển”, - vị chuyên gia cho biết.

Theo ông, cần đánh giá cao phương pháp tiến hành hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc. “Khi mua tàu sân bay đóng dở ở Ukraine, Trung Quốc đã nhận được không chỉ con tàu bằng sắt, mà là quy trình phát triển và đóng những con tàu như vậy. Họ đã nhận được hầu như toàn bộ kinh nghiệm của Liên Xô trong lĩnh vực đóng tàu sân bay, kể cả phương pháp đào tạo phi công tàu sân bay. Sau khi nghiên cứu Trung tâm khoa học-thử nghiệm máy bay hạm tàu NITKA của Ukraine, Trung Quốc đã xây dựng một tổ hợp của họ để huấn luyện phi công, dĩ nhiên là có thực hiện những thay đổi nhất định”, - ông Lakyichuk nói.

Ông P. Lakyichuk cho rằng, với việc hạ thủy tàu sân bay Thi Lang, chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ bước lên trình độ mới về chất và sẽ tiếp tục phát triển. Varyag về bản chất là một tàu đã lỗi thời và việc đóng hoàn thiện nó sẽ chỉ là giai đoạn đầu của chương trình này, mục tiêu chính của Trung Quốc là xây dựng hạm đội tàu sân bay của mình và có khả năng thể hiện sự hiện diện của mình ở bất cứ nơi nào trên đại dương thế giới. Ukraine với tư cách một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu chở máy bay, có những cơ hội tốt để tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Dĩ nhiên là sự hợp tác sẽ rất hạn chế, bởi vì phần do Ukraine làm được trong các tàu sân bay Liên Xô chỉ là thân tàu và động cơ, chứ vũ khí cho tàu sân bay không được sản xuất ở Ukraine”, - ông cho biết thêm.

Như vậy, việc bán tàu Varyag cần được coi không phải là một trong những trường hợp tầm thường trong lịch sử xuất khẩu vũ khí bão táp của Ukraine mà là một bước đi có tính toán, đặt nền tảng cho sự hợp tác lâu dài với Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Một trong những bằng chứng xác nhận điều đó là hợp đồng đóng cho Trung Quốc 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr mà công ty đóng tàu Morie ở Feodosya đang thực hiện.

Con đường hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc có những đặc điểm của nó và ít khi chỉ là hình thức mua những mẫu trang bị nào đó của Ukraine mà thường kèm theo việc chuyển giao công nghệ sản xuất nó ở Trung Quốc. Song với cách tiếp cận đúng đắn đối với việc này thì có thể kiếm khối tiền ở đây.

Nhưng dĩ nhiên là vấn đề uy tín cũng có ý nghĩa không kém vì trang bị cho hạm đội của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ thành cường quốc dẫn đầu thế giới thì có lẽ điều đó cũng rất đáng giá, nhất là đối với Ukraine với quy chế không tham gia các liên minh.

No comments:

Post a Comment