Sunday, July 31, 2011

NATO quyết ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua S-300PMU-2 và HQ-9

NATO đang gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ không mua các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa của Nga và Trung Quốc


Hệ thống S-300PMU-2 Favorit của Nga (fwnews.ru)
Theo các quan chức NATO, NATO có thể từ chối cung cấp thông tin tình báo về mối đe dọa tên lửa từ các đối thủ tiềm tàng cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này quyết định mua các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa của Nga hoặc Trung Quốc.
Các ứng viên giành thắng lợi trong cuộc thầu cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa T-LORAMIDS (Turkish Long Range Air And Missile Defence System) cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là công-xooc-xi-om Lockheed Martin/Raytheon (Mỹ) với hệ thống được chế tạo dựa trên các biến thể Patriot РАС-2 và РАС-3, công ty CPMIEC (China National Precision Machinery Import and Export Corporation, Trung Quốc) với hệ thống HQ-9 (biến thể xuất khẩu có tên FD-2000), Rosoboronoexport (Nga) với hệ thống S-300PMU-2, cũng như công-xooc-xi-om Eurosam (Pháp-Italia) với hệ thống tên lửa phòng không SAMP/T sử dụng tên lửa Aster-30.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ dự định lựa chọn hãng thắng thầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Đa số chuyên gia và quan chức phương Tây phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc với cớ điều đó sẽ gây khó khăn cho khả năng tích hợp chúng vào hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, cũng như những khó khăn về phụ tùng. Ngoài ra, việc đó cũng đòi hỏi cung cấp cho nhà thầu thông tin mật của NATO, điều này có thể làm thất thoát thông tin mật.
Bất chấp sự chỉ trích và áp lực, Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn không loại các nhà sản xuất Trung Quốc và Nga khỏi cuộc thầu.
Theo một quan chức NATO, nếu các nhà sản xuất Trung Quốc hoặc Nga thắng thầu, các hệ thống của họ sẽ không được tham gia hệ thống trao đổi thông tin của NATO.
Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được những khía cạnh tiêu cực của việc mua các hệ thống từ Nga và Trung Quốc, nhưng “cố tình để lại các công ty của các nước này trong số các ứng viên giành thắng lợi để gây áp lực lên các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu để giảm giá của các hồ sơ dự thầu của họ”.
Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), các chuyên gia phương Tây khi đánh giá các nguyên nhân khiến Nga và Trung Quốc tiếp tục tham gia cuộc thầu đã không có quan điểm khác biệt nhiều với ban lãnh đạo NATO và các đánh giá của họ cũng có thể xem là một cách “áp lực” đối với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua báo chí.
Cần nhấn mạnh rằng, hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa T-LORAMIDS mà Thổ Nhĩ Kỳ sắp mua được dự định từ đầu là hệ thống quốc gia. Nó không liên quan đến chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tập thể của NATO. Đây là yếu tố căn bản, san bằng cơ hội cho tất cả các ứng viên.
Theo TsAMTO, áp lực chưa từng có đối với Thổ Nhĩ Kỳ từ phía NATO đối với việc quyết định mua các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa tầm xa và những lập luận nêu ra là một ví dụ của lối cạnh tranh “không thiện chí” trên thị trường thế giới.
Trong cuộc họp thượng đỉnh tháng 11.2010 ở Lisbon, NATO đã thông qua quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tập thể của NATO. Ankara đã đồng ý với quyết định này chỉ sau khi NATO chấp nhận ý kiến bổ sung của Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó Iran và các nước khác không được chỉ rõ là những nguồn đe dọa tên lửa tiềm tàng. Trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ tên lửa tập thể của NATO, dự định triển khai trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ một trạm radar băn X để báo động sớm các vụ phóng tên lửa. Giữa tháng 7.2011, các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận vấn đề triển khai trạm radar trong chuyến thăm Istanbul của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Theo khái niệm được thông qua, sau khi phát hiện vụ phóng tên lửa đường đạn bởi một “quốc gia cứng đầu”, tên lửa sẽ được trạm radar băng X phát hiện và có thể bị tiêu diệt bởi các tên lửa đánh chặn SM-3 triển khai trên các khu trục hạm trang bị hệ thống Aegis của Mỹ sẽ được triển khai ở Đông Địa Trung Hải và có thể cả ở Rumani.

No comments:

Post a Comment