Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Wednesday, December 1, 2010

Thiếu động vật linh trưởng, tiến bộ y học bị kìm hãm

Vượn và khỉ phục vụ mục đích nghiên cứu đang được gây giống với số lượng không đủ. Sự thiếu hụt này có thể kìm hãm những tiến bộ mang tính đột phá về các bệnh thần kinh, AIDS, tốc độ phát triển dược phẩm cũng như nghiên cứu gien.
Thieu dong vat linh truong tien bo y hoc bi kim ham
Khỉ nâu Rhesus.
Ngoài ra, thông tin quan trọng về các loài động vật riêng lẻ cũng như điều kiện nuôi nhốt không được thông báo công khai. Thực tế trên gây khó khăn cho quá trình xác minh giá trị khoa học của các thí nghiệm được tiến hành trên động vật linh trưởng cũng như làm các nhà nghiên cứu khó có thể biết rằng họ đang lặp lại công việc của nhau.Trên đây là những kết luận đáng lo ngại của cuộc kiểm toán toàn cầu đầu tiên về động vật linh trưởng được dùng làm vật thí nghiệm khoa học. Nó lật lại hồ sơ để tìm ra lượng khỉ và vượn được sử dụng trong năm 2001.
Gần 3.000 tài liệu nghiên cứu tiết lộ: trong năm 2001 có 4.411 nghiên cứu sử dụng động vật linh trưởng với các thí nghiệm được tiến hành trên 41.000 cá thể. Khỉ ở Cựu Thế giới (châu Á, châu Phi và châu Âu) được sử dụng trong 65% tổng thí nghiệm, tiếp đến là khỉ ở Tân Thế giới (15%) và vượn (dưới 9%). Các loài linh trưởng thấp hơn và chưa được xác định chiếm phần còn lại. Khỉ Vervet là loài được ưa thích, với 19% thí nghiệm sử dụng chúng, kế tiếp là khỉ rhesus (18%).
Thiếu hụt

Theo tác giả Hans-Erik Carlsson, trưởng nhóm nghiên cứu tại ĐH Uppsala (Thuỵ Điển), những con số này chắc chắn chưa phản ánh hết số lượng linh trưởng được sử dụng. Nhiều nghiên cứu không ghi lại bao nhiêu động vật mà các nhà khoa học đã thí nghiệm và những nghiên cứu khác chẳng hạn nghiên cứu về chất độc không được công bố. Liên quan tới những thông tin công khai, Hans-Erik Carlsson ước tính có tới 200.000 linh trưởng được sử dụng trong nghiên cứu khoa học mỗi năm.
Tuy nhiên, con số trên nguỵ trang sự thiếu hụt nghiêm trọng động vật linh trưởng dành cho nghiên cứu. Gần đây, nhu cầu về những động vật như vậy đã tăng lên, một phần do giới khoa học cần những loài có họ gần với người trong nghiên cứu HIV và AIDS. Theo Steven Schapiro thuộc ĐH Texas, đồng tác giả nghiên cứu, chẳng hạn khỉ rhesus gốc Ấn không sẵn có. Ấy vậy mà chúng lại là mô hình duy nhất cho những nghiên cứu HIV bởi con người đã chứng minh rằng chúng có thể phát triển AIDS từ SIV, dạng virus ở khỉ tương tự HIV của người.

Colin Blakemore, giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Anh, cũng có cùng quan điểm: ""Thật sự là có sự thiếu hụt lớn về linh trưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học. Tiến hành các thí nghiệm trên khỉ là sự lựa chọn duy nhất trong một số lĩnh vực nghiên cứu mặc dù sử dụng linh trưởng là vấn đề nhạy cảm, vấp phải sự phản đối của các nhóm bảo vệ quyền lợi động vật"".

Khía cạnh đạo đức

Sự thiếu hụt này cũng đang gây tác động mà con người không thể lường trước. Nó buộc các nhà khoa học tiến hành các nghiên cứu độc lập, liên tiếp, trên cùng một động vật (có thể sống nhiều năm trong nuôi nhốt). Carlsson nói: ""Tôi thấy trong một số nghiên cứu một con khỉ được sử dụng tới sáu-bảy lần"!
Điều này có phi đạo đức hay không? Về mặt lý thuyết, nó làm giảm tổng số động vật phải chịu đau đớn. Theo Mark Matfield, giám đốc Hiệp hội Bảo vệ Nghiên cứu ở London, từ quan điểm sức khoẻ, chẳng có vấn đề gì khi sử dụng cùng một linh trưởng hai lần hoặc sử dụng hai con khỉ cho các thí nghiệm riêng rẽ. Thí nghiệm trên một động vật rồi sử dụng một số mô của nó để tiến hành thí nghiệm tiếp theo tốt hơn là lấy mô từ một con khỉ thứ hai.
Blakemore chỉ ra rằng sử dụng lại động vật theo cách này không được phép ở Anh, ngoại trừ thí nghiệm thứ hai là một bộ phận quan trọng của toàn bộ dự án. Đa số việc sử dụng khỉ nhiều lần diễn ra tại Mỹ. Tuy nhiên, Andrew Tyler thuộc nhóm áp lực Animal Aid ở London phản đối cả hai hình thức trên. Ông nói: ""Kéo dài sự đau đớn của khí bằng cách sử dụng lại chúng và sản xuất khỉ hàng loạt đều không thể chấp nhận được"".
Ngoài vấn đề sức khoẻ động vật, việc thiếu hụt số lượng linh trưởng phù hợp cũng đang gây thiệt hại cho chính các lĩnh vực khoa học cần sử dụng chúng. Nhiều đề nghị xin cấp kinh phí đang bị từ chối bởi các nhà khoa học không thể có đủ động vật nghiên cứu. Schapiro nói: ""Bạn cần một số động vật nhất định trước khi có thể dò thấy những tác động mà bạn đang thử nghiệm. Nhu cầu cao về động vật linh trưởng có nghĩa nguồn cung không đủ".
Thieu dong vat linh truong tien bo y hoc bi kim ham
Khỉ Vervet.
Ngoài ra, các tài liệu nghiên cứu thường không tuyên bố điều kiện nuôi nhốt động vật thí nghiệm và lịch sử nghiên cứu chúng. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong trường hợp động vật được tái sử dụng bởi các thao tác hoặc nhiễm bệnh từ những thử nghiệm trước kia có thể ảnh hưởng tới kết quả của các nghiên cứu sau này. Trong các thí nghiệm mà động vật còn tỉnh táo khi được tiêm hoặc thân thể bị xâm nhập, hơn 60% động vật được sử dụng đã bị con người xâm nhập một lần trước đó. Trong các nghiên cứu mà động vật được gây mê hoặc nghiên cứu không xâm nhập, 72-75% vật thí nghiệm đã được sử dụng trước đó. Đối với những nghiên cứu giết động vật để lấy mô, con số này tăng lên tới 86%.

Điều kiện nuôi nhốt

Matfield chỉ ra rằng đa phần các nghiên cứu về linh trưởng mà Carlsson và Schapiro điều tra không bị ảnh hưởng bởi lịch sử nghiên cứu động vật đó. Chẳng hạn, trên 50% là những nghiên cứu mô của chúng trong ống nghiệm. Ông giải thích: ""Khi bạn sử dụng mẫu mô, điều kiện nuôi nhốt động vật đó thường chẳng liên quan gì. Bạn chẳng bao giờ chắc chắn trong một trường hợp cụ thể liệu nơi nhốt hoặc quá trình nuôi động vật ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu hay không"".

Tuy nhiên, Schapiro phản bác rằng điều kiện nuôi nhốt và thời điểm động vật được vận chuyển lần cuối cùng có thể ảnh hưởng lớn tới kết quả của một số thí nghiệm. Những chi tiết này thường vắng bóng trong các tài liệu nghiên cứu. Ngay cả giới tính, tuổi tác và cân nặng của khỉ và vượn cũng không được mô tả trong hơn 50% tổng nghiên cứu công bố trong năm 2001. Blakemore cho rằng đó là lỗi của tạp chí chuyên đề và biên tập. Nếu tác giả có đưa những thông tin như vậy, chẳng có tờ báo nào xuất bản chúng. Biên tập sẽ dùng bút đỏ gạch bỏ chi tiết đó.
Giải pháp nào?

Theo Matfield, tranh cãi về việc nên xuất bản thông tin nào đã kéo dài nhiều năm. Các tạp chí có quá ít chỗ để đưa vào những chi tiết này, do đó hạn chế thong tin mà tác giả nghiên cứu muốn thông báo. Tuy nhiên, ông nói rằng phần lớn mọi người nhận ra cần xuất bản nhiều chi tiết hơn về điều kiện nuôi nhốt động vật linh trưởng và lịch sử nghiên cứu. Lúc đó, các nhà khoa học có thể tin tưởng hơn rằng kết quả từ nghiên cứu động vật của họ là hợp lệ.

Một giải pháp nữa là thay đổi nguồn cung cấp động vật linh trưởng. Nhiều động vật tới từ các trung tâm gây giống tại quốc gia xuất xứ, song sẽ tốt hơn nhiều nếu gây giống chúng trong những quốc gia nơi chúng được nghiên cứu. Giải pháp này sẽ giảm sự căng thẳng do quá trình vận chuyển đường dài gây ra. Vận chuyển đường dài có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của chúng cũng như kết quả nghiên cứu. Nó cũng góp phần duy trì nguồn cung linh trưởng ổn định đối với các nghiên cứu quan trọng. Chẳng hạn Mỹ hiện nhân giống chưa tới 100 con khỉ rhesus Ấn Độ mỗi năm để nghiên cứu HIV sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu động vât này trong những năm 1970 vì lý do bảo tồn.

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *