Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Saturday, December 4, 2010

Người cá

Những lời đồn đại và cả bằng chứng về sự tồn tại của các nàng tiên cá làm cho “người cá” trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của đại dương.Và Cứ đến dịp là đề tài này lại trở thành nơi để các nhiều người thỏa sức để đầu óc bay bổng.

Từ truyền thuyết :

Các nhà hàng hải vĩ đại như Christophe Columbo, Fernand de Magellan và Henry Hudson đều cho biết họ đã nhìn thấy nàng tiên cá.

Ngày 15/6/1608, Hudson viết trong nhật ký hải hành: "Hôm nay, hai thuỷ thủ Thomas Hill và Robert Raynor nhìn thấy một sinh vật lạ có nửa người bên trên giống hệt một cô gái nhưng thay vì hai chân thì lại là một cái đuôi to khoẻ. Sinh vật này có màu da trắng, tóc đen tuyền, phần đuôi được bao bọc bởi lớp vảy như vảy cá. Căn cứ hình dạng, đuôi của sinh vật này giống đuôi cá heo, song về màu sắc thì lại giống đuôi cá thu".


Họa sĩ Stradanus, trong thời gian tham gia chuyến hải hành vòng quanh thế giới của Magellan, cũng để lại một bức ký họa thể hiện một nàng tiên cá với cái đuôi nhọn, không rẻ quạt ở đầu chót, đang bơi bên cạnh thuyền. Trong quyển Kinh thánh xuất bản năm 1483 tại Nuremberg cũng có bức tranh minh họa vẽ hình một nàng tiên cá đang bơi bên cạnh con thuyền của Noe. Sa hoàng Pie đệ nhất từng viết thư cho linh mục người Francois Valentine, yêu cầu kể tỉ mỉ chuyện ông này cùng mấy chục người khác trong đoàn truyền giáo nhìn thấy nàng tiên cá ở gần cảng Ambon của Indonesia. Nhà văn Nga Turgheniev trong một lần tắm sông đã nhìn thấy dưới nước một sinh vật lạ giống như con khỉ cái nhưng có đuôi. Ông đã viết thư kể chuyện đó cho bạn mình là nhà văn Pháp Guy de Maupassant và sau đó Maupassant đã đưa tình tiết này vào truyện Nỗi kinh hoàng.


Nhà văn Nga nổi tiếng Alexander Beliaev, chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng, khi viết truyện Người cá (từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhiều lần dựng thành phim) cũng dựa trên những sự kiện hoàn toàn có thật. Nguyên mẫu của nhân vật Ichian là chú bé Francisco de la Vega Casar có khả năng lạ thường, sống ở nửa cuối thế kỷ 17, trong ngôi làng nhỏ Lyerganes trên bờ vịnh Beaskay. Từ năm lên 5 tuổi, Casar đã có thể lặn xuống nước suốt nửa giờ mà không cần ngoi lên để thở. Tháng 2/1674, trong một lần tắm ở sông Myera, Casar đột nhiên biến mất để rồi 5 năm sau xuất hiện trong... lưới của một ngư dân đang đánh cá ngoài khơi. Từ cổ họng đến sát cơ quan sinh dục và từ gáy đến chót xương cùng của Casar đã mọc lên lớp vảy màu nâu nhạt với hàng vây nhô lên ở giữa; giữa các ngón tay có lớp màng giống như bàn chân ếch. Casar được đưa vào bờ, gửi vào tu viện dòng thánh Francisco, ăn học bình thường như những người khác, thỉnh thoảng được phép trầm mình suốt buổi trong một hồ nước lớn. 9 năm sau, nhân sơ suất của người gác cổng, Casar trốn ra ngoài, nhảy tùm xuống biển và biến mất vĩnh viễn. Nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện trên, năm 2004, nhà báo người Tây Ban Nha Iker Himenes Elyzary đã lục tìm trong tài liệu lưu trữ của giáo hội và đã tìm thấy một thư tịch ghi nhận sự việc này.

Tất cả những câu chuyện trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong hồ sơ tư liệu về người cá, mỹ nhân ngư, quái vật biển dạng người... của tiến sĩ sử học người Nga Alexander Gorbovsky.


Mới đây, nhà động vật học người Mỹ Carles Banze đã cho đăng bài khảo luận "Cơ sở sinh học của người cá" trên tờ Limnology & Oceanology, một tạp chí khoa học rất có uy tín của Mỹ. Bài viết có đoạn: "Người cá, mỹ nhân ngư, những quái vật biển dạng người... xin gọi chung là người cá - trong các truyền thuyết và trong lời kể của các nhân chứng hay những hình ảnh do người xưa vẽ lại, chúng ta thấy người cá nói chung đều có hai mắt cùng nhìn về một hướng như người mà không phải nhìn về hai hướng ngược nhau như cá. Bàn tay người cá có ngón cái chĩa ngang như người, thuận tiện cho việc cầm nắm công cụ lao động. Các miêu tả đều cho thấy người cá có đầu khá to so với thân hình nói chung, chứng tỏ bộ não khá phát triển. Phần thân dưới của người cá hầu hết đều có hình dạng bơi chèo có rẻ quạt ở đầu chót tương tự đuôi cá voi. Lớp vảy trên thân (chủ yếu ở phần đuôi) thực chất là lớp da dày hoá sừng trông xù xì giống như vảy cá...". Giải thích về việc ngày nay người cá không còn hiện diện trong thiên nhiên, Banze tỏ ra hơi cực đoan khi cho rằng nguyên nhân là do sự phát triển của thế giới hiện đại gây ô nhiễm môi trường sinh thái và do sự đánh bắt thuỷ hải sản một cách vô độ đã khiến người cá tuyệt chủng.

Tiến sĩ sinh vật học Valentin Sapunov thuộc Viện hàn lâm an ninh sinh thái của Nga cũng tin rằng người cá có thật.Theo ông, trên mặt đất người ta còn ngờ là có người tuyết - sinh vật nguyên thuỷ dạng người - huống gì dưới lòng đại dương mênh mông, sâu thẳm, nơi mà sự hiểu biết của chúng ta còn quá mù mờ. Người cá là một dạng người tuyết ở dưới nước.


Đến Khoa học…

Những đứa trẻ có mang như mang cá

Nữ tiến sĩ Marina Chistiakova thuộc Trung tâm sản phụ khoa của Nga cho biết, trong thực tế, có một số trẻ sinh ra có hình dạng cơ thể hoặc cấu trúc cơ quan hô hấp gần giống như các mô tả về người cá. Đứa trẻ bị coi là bị hội chứng "Mỹ nhân ngư" nếu có hai chân bị dính vào nhau và hai bàn chân xoè ra như vây đuôi cá.

Theo thống kê trên thế giới, trung bình trong số 60.000 trẻ sơ sinh có một trẻ bị hội chứng này, mà tuyệt đại đa số đều không sống quá 3 tuổi. Trong thực tiễn hành nghề, bà Chistiakova đã gặp 3 trường hợp và cả 3 đứa trẻ đều đã chết khi chưa đầy 1 tuổi. Lại có những đứa trẻ sơ sinh mà ở hai bên sườn, khoảng cách giữa hai xương sườn nào đó rộng hơn bình thường và lớp da ở đó phập phồng theo hơi thở, rất mỏng, có nhiều lỗ chân lông lớn hơn bình thường, tạo cảm giác có thể để cho nước lọt qua dễ dàng. Tại nhà bảo tàng truyền thống của thị trấn 

Toumstown ở miền nam nước Mỹ hiện vẫn trưng bày bộ da nhồi bông một sinh vật trông hơi giống con thuỷ ngưu, từng sát hại nhiều mạng người cách đây hơn 200 năm. Con vật này có hai mắt khá to, mũi, tai, vai và cổ rất giống những bộ phận của người. Hai chi trước rất giống tay người, với khớp khuỷu tay khá linh hoạt và hai bàn tay có đủ năm ngón như người. Lồng ngực với những xương sườn rất phát triển, chứng tỏ sinh vật này thở được cả khí trời. Tuy nhiên, phần dưới của cơ thể thì chẳng khác gì phần thân sau của loài cá. Theo lời các hướng dẫn viên nhà bảo tàng thì những sinh vật tương tự thỉnh thoảng vẫn dính lưới ngư dân ở vùng biển vịnh Mexico.

Năm 1991, Hãng thông tấn quốc gia Tây Ban Nha EFE loan tin về trường hợp một đứa bé sơ sinh, bé Edwin, ở làng Liamack của Peru, chào đời với lớp vảy bao bọc toàn thân. Không những thế, Edwin còn không có vành tai, chỉ có hai lỗ tròn thay vì mũi và miệng em không có môi nên trông em càng giống cá. Em bé "người cá" này được nuôi theo chế độ đặc biệt trong lồng kính. Lớp vảy rụng dần, để lộ lớp da rất mỏng, màu hồng. Edwin không bú mẹ theo phản xạ bẩm sinh như thường thấy ở trẻ sơ sinh. Sữa bón vào miệng cũng bị ựa ra hết - hệ tiêu hoá của em không thích nghi với việc tiếp nhận sữa. Edwin qua đời ở ngày thứ 9 do bị nhiễm trùng gây hoại thư và rối loạn tuần hoàn máu.

Gần đây nhất, theo hãng tin Atlanta Journal, năm 1998, bà Segundina Gimena ở thủ đô Manila của Philippines đã sinh một lúc ba em bé có mang như mang cá và có thể nằm hoàn toàn trong nước tới hơn 10 phút.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra cho các nhà khoa học: trên quan điểm vật lý sinh học, liệu một sinh vật dạng người hay thậm chí con người nói chung có thể sống trong môi trường nước (với nghĩa hoàn toàn trong nước) mà không cần đến một thiết bị kỹ thuật nào hay không?

Giả thuyết 

Đã có không ít nhà khoa học tin tưởng vào khả năng "chế tạo" người cá, tức là giúp con người có thể sống dưới nước với một cơ quan hô hấp tương tự như mang cá. Hiện con người vẫn chưa thể làm ra mang nhân tạo, song các nhà khoa học đang tiếp cận vấn đề từ hướng khác. 

Tiến sĩ Nikolai Dorozhkin, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học vũ trụ Nga, cho biết từ giữa thập niên 1950, giáo sư Johannes Kilstra của Đại học Leyden (Đức) đã đưa ra một giả thuyết khá hấp dẫn. Theo ông, bởi quá trình trao đổi khí cả trong phổi lẫn trong mang đều diễn ra tương tự nhau, nên con người có thể sống dưới nước với điều kiện trong nước có khí ôxy hoà tan ở hàm lượng cần thiết. Năm 1959, Kilstra làm thí nghiệm dìm chuột vào dung dịch bão hoà ôxy dưới áp suất 3,5 atmosphere. Thật kỳ lạ: lũ chuột sống được trong môi trường đặc biệt này đến hàng chục giờ liền và tỏ ra khá linh hoạt. 

Thông tin về sự kiện này gây sự chú ý đặc biệt đối với hải quân Mỹ và thế là người Mỹ bắt tay thử nghiệm với con người. Đầu thập niên 1960, trên báo chí Mỹ xuất hiện những thông tin nửa úp nửa mở rằng hải quân Mỹ dường như đã thành công trong việc "chế tạo" người cá. Theo những bài báo ấy thì một người đàn ông tên Francis Falaychick đã được phẫu thuật cuống họng, lắp một ống nhựa thay cho khí quản và người ta bơm theo ống này vào phổi anh ta một loại dung dịch đặc biệt, sau đó thả anh ta vào nước. Các báo cho biết Falaychick sống được dưới nước mấy giờ liền. 

Theo tiến sĩ Nikolai Dorozhkin, một thí nghiệm tương tự cũng được thực hiện ở Liên Xô đầu thập niên 1980. Một bệnh nhân nọ do một tình trạng bệnh lý nào đó nên các bác sĩ phải cắt bỏ yết hầu. Vấn đề ở chỗ cơ thể con người được tạo hóa ban cho khả năng phản ứng với nước: chỉ cần một lượng nước rất nhỏ - một giọt thôi - chạm vào các tế bào rất nhạy cảm trên niêm mạc phế quản, lập tức cơ vòng co thắt lại, siết chặt vùng họng, gây ngạt thở và con người sẽ chết ngạt sau vài phút nếu tình trạng trên không được giải toả. Nhưng bệnh nhân nói trên đã bị cắt yết hầu nên không còn cơ vòng nữa, vì thế rất phù hợp để tiến hành thí nghiệm. Qua đường phế quản, người ta bơm trực tiếp dung dịch cần thiết vào phổi anh ta, sau đó anh ta có thể trầm mình hàng tiếng đồng hồ trong nước. Đến khi nồng độ ôxy trong dung dịch phổi đã "nhạt", các bác sĩ lại hút dung dịch cũ ra, bơm dung dịch mới vào và thế là người thực hiện thí nghiệm lại có thể lặn xuống nước cho đến khi nhạt dung dịch. Người này cho biết cả hai quá trình bơm và hút dung dịch đều không hề gây đau đớn. Như vậy, nhiều nhà khoa học đã lạc quan cho rằng con người có thể sống dưới nước nhiều giờ liền nếu được loại bỏ cơ vòng yết hầu và bơm dung dịch cần thiết vào phổi; thậm chí người ta có thể tiến tới việc kéo dài thời gian sống dưới nước bằng cách tự thay dung dịch ở dưới nước mà không cần phải lên khỏi mặt nước. 

Nhưng dù sao thì như thế cũng không phải là con người sử dụng nguồn ôxy tự nhiên trong nước như cá. Một số nhà khoa học có cái nhìn khác thì cho rằng việc sử dụng dung dịch bão hoà ôxy cơ bản cũng giống như dùng bình khí nén, chỉ khác ở chỗ khỏi đeo bình lích kích mà thôi. Quả thực, điều mà mọi người trông đợi là việc con người có thể hô hấp dưới nước bằng mang như mang cá cơ. Chưa ai dám khẳng định chuyện ấy sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Kinh nghiệm của thợ mò ngọc trai

Để chế tạo người cá, trước hết phải giải quyết một vấn đề quan trọng là làm sao buộc được cơ thể người hoạt động tốt trong môi trường nước tương tự các loài có vú thuỷ sinh như cá voi, cá heo, hải cẩu... Ông Jacques Mayole, một thợ lặn nổi tiếng người Pháp, đã bỏ ra hàng chục năm trời để tìm kiếm phương pháp giúp con người tiết kiệm ôxy khi lặn xuống nước. Trước hết, ông tiến hành kiểm tra y khoa đối với những người dân vùng núi cao Peru, vốn thường xuyên sống trong điều kiện thiếu ôxy (ở độ cao càng lớn, mật độ không khí càng loãng). Sau đó, ông lại khảo sát các thợ lặn chuyên mò ngọc trai ở vùng biển Thái Bình Dương. "Dĩ nhiên con người có cấu trúc giải phẫu học hoàn toàn khác với các loài có vú thuỷ sinh" - Jacques Mayole giải thích. Tuy vậy, con người lại có những khả năng tiềm ẩn, nếu được khai mở thì có thể phát huy công lực rất hiệu quả. Chắc chắn trong những nơi sâu kín nào đó trong cơ thể chúng ta vẫn lưu giữ những mối liên hệ với "quá khứ thuỷ sinh" - môi trường sống đầu tiên của các giống động vật. Tóm lại, trong hành trạng gene của con người vẫn còn "sót lại" một vài đặc tính nào đó của lớp cá. Chẳng hạn, khi con người rơi vào hoàn cảnh môi trường áp suất cao, cơ thể lập tức phản ứng bằng một cơ chế được gọi là "phản ứng độ sâu": toàn bộ lượng máu trong cơ thể tập trung dồn vào nuôi tim, não và phổi, bỏ qua những phần khác "ít quan trọng hơn". Nếu so sánh, chúng ta sẽ thấy trong trường hợp này, cơ thể người chuyển sang một chế độ hoạt động đặc biệt, rất tương đồng với cách sống của loài có vú thuỷ sinh: tiết kiệm tối đa ôxy nuôi dưỡng cơ thể. 

Và Nền văn minh nơi đáy biển…

Một câu hỏi được đặt ra: "Liệu con người có cần thiết phải sống dưới đáy biển hay không?". Dĩ nhiên, toàn bộ loài người thì không cần, nhưng nếu có được một số người có khả năng bơi lặn như cá thì quá tốt cho công tác nghiên cứu đại dương, thăm dò, trục vớt tàu đắm, khảo sát địa chất đáy biển... Cũng có nhiều ý kiến phản đối những cố gắng "chế tạo" người cá vì cho rằng nếu người cá bị sử dụng vào mục đích xấu, hậu quả sẽ khôn lường. Tuy vậy, số đông vẫn cho rằng rất nên có một đội người cá để nghiên cứu cuộc sống dưới đáy đại dương. Người đầu tiên đưa ra ý tưởng táo bạo về một nền văn minh dưới nước tồn tại ngay trên hành tinh của chúng ta là nhà khoa học Mỹ Ivan Sanderson. Ông nói: "Hướng về một nền văn minh khác, chúng ta cứ mải miết đi tìm kiếm ở những nơi xa xôi nào đó trong khoảng không vô tận của vũ trụ mà không chịu tìm ở nơi rất gần là đáy đại dương vĩ đại của trái đất". Sanderson phần nào có lý, nếu chúng ta xem xét một số cứ liệu sau:

Năm 1982, trong một đợt phối hợp huấn luyện người nhái biệt kích của quân khu Tây Siberi và quân khu ngoại Baikal diễn ra ở hồ Baikal, khi ở độ sâu tương đối lớn, khoảng 50 mét, những người nhái bỗng nhìn thấy một số con vật có tay chân như người nhưng dài khoảng 3 mét, đầu tròn như đeo mũ lặn, bơi lặn rất linh hoạt với tốc độ cao. Chỉ vì muốn tiếp cận, bắt giữ những người cá này mà một tiểu đội người nhái đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. 

Sự việc trên đây có thể khó tin vì còn có sự "vênh" giữa lời kể của các nhân chứng và các văn bản chính thức. Nhưng một số hiện tượng khiến con người phải liên tưởng đến một sự sống có tri giác dưới đáy biển được ghi nhận ở nhiều nơi và bởi nhiều thủ thủy đoàn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Chẳng hạn năm 1973, tại vùng eo biển Malacca, trong đêm tối, thuỷ thủ đoàn của tàu Makarenko (Liên Xô) nhìn thấy một vòng tròn phát sáng từ dưới đáy biển, đường kính khoảng vài chục mét, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ. Năm 1983, hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận ở vùng biển vịnh Ba Tư, bởi thuỷ thủ tàu Serbino của Nam Tư. Trong vòng hai thập niên gần đây, hiện tượng "ánh xe phát sáng từ dưới đáy biển" được ghi nhận ở nhiều nơi như vùng biển đảo Kuril, biển Andaman, vịnh Thái Lan, vịnh Bengal và quanh quần đảo Indonesia. 

Những hiện tượng kể trên đã trở thành căn cứ để người ta tin vào một nền văn minh hay ít ra là một sự sống có tri thức dưới đáy biển. Chính điều đó lại càng thôi thúc con người quyết tâm "tự thân" chinh phục đáy biển. Nhưng nếu thật tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề thì còn phải rất lâu nữa, con người mới có thể bơi lặn như cá để khám phá tầng sâu đáy nước. Mà cũng có thể không bao giờ...

Theo đuổi lãng mạn…

Trong khi truyền thuyết Hy Lạp ca tụng mỹ nhân ngư là những cô nàng nửa người nửa cá có sắc đẹp tuyệt thế và giọng hát mê hồn thì thực tế lại ghi nhận điều phũ phàng trái ngược: những sinh vật nhỏ thó, hình thù dị hợm và chưa bao giờ cất lên tiếng nói.

Tại Nhật bản:

Tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết, nhưng ít ai ngờ, xác ướp của những sinh vật nửa người nửa cá vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong nhiều đền thờ, miếu mạo cổ kính của đất nước mặt trời mọc.

Xác ướp người cá tại đền Karukayado.

Người cá là một trong số ít những biểu trưng của sự giàu sang, phú quý, sức khỏe… được người dân Nhật Bản tôn sùng. Trở về thành cổ Edo của thế kỷ 18 -19 (cố đô Tokyo hiện nay), có thể thấy hình ảnh người cá là vật thờ không thể thiếu trong các lễ hội misemono.
Thậm chí cả trong các lễ hội ở châu Âu và châu Mỹ những năm 1800, theo lịch sử còn ghi lại, người cá đã sớm trở thành tâm điểm thu hút của đông đảo dân chúng hiếu kỳ.


Nổi tiếng nhất thời bấy giờ là người cá Barnum’s Feejee, được cho là “tác phẩm nhân tạo” của một ngư dân Nhật Bản vào khoảng năm 1810. Bàn tay nghệ nhân này đã khéo léo lắp ghép đầu và nửa thân trên của khỉ vào khúc đuôi của 1 con cá cùng kích cỡ, tạo nên 1 “mỹ nhân ngư” có thật và hoàn chỉnh.


Người ta cho rằng, nhiều đền chùa cổ kính của Nhật Bản vẫn còn bảo quản và cất giấu xác ướp của người cá đến tận ngày nay.


Bức ảnh trên được chụp tại chùa Zuiryuji ở Osaka. Theo đồn thổi, mỹ nhân ngư này là món quà của 1 thương gia vùng Sakai tặng riêng cho sư trụ trì vào năm 1682. Ngoài ra, ngôi chùa cổ này còn lưu giữ xác ướp của 1 kappa (truyền thuyết kể rằng sinh vật này có mình vượn, mỏ ếch, chân tay giống rùa) và 1 con rồng nhỏ.


Một xác ướp khác hiện đang được bảo tồn tại đền Myouchi, thuộc thành phố Kashiwazaki, tỉnh Niigata.

Với độ dài khoảng 30 cm, người cá này có một cử chỉ… chưa ai giải thích nổi: hai tay chống lên ôm lấy cằm. (Có vẻ như đây là tư thế thường gặp ở các xác ướp người cá).
Vị sư trụ trì thường cất giữ “bảo bối” của ngôi đền trong 1 hộp gỗ nhỏ, hiếm ai có cơ may chiêm ngưỡng tận mắt trừ khi là khách quý.


Tiếp theo là người cá tại đền Karukayado, ngoại ô thành phố Hashimoto thuộc tỉnh Wakayama.

Dài 50cm, miệng há rộng để lộ ra ít ỏi mấy chiếc răng nhọn hoắt còn sót lại, hai tay cũng giơ cao ôm má. Phần đuôi vẫn nguyên dấu tích của vẩy cá, còn trên ngực thì hiển hiện rõ nét “di chỉ” của 2 núm vú.


Trong tấm ảnh trên, phía bên trái là bức hình chụp mỹ nhân ngư cao tuổi nhất, có kích cỡ nhất còn sót lại ở Nhật Bản. Với 1.400 năm tuổi, dài 170 cm, hiện người cá này là vật linh của môn phái Shinto, tụ hội ở Fujinomiya dưới chân núi Phú Sĩ.

Mỹ nhân ngư Shinto có chiếc đầu hói và lớn bất thường. Mắt và miệng há rộng, tay có màng như tay ếch và móng vuốt sắc nhọn, đuôi dài khoảng 20 cm. Cấu trúc xương ở nửa thân dưới giống hệt xương cá, tuy nhiên không rõ nửa thân trên có xương hay không. Đáng tiếc, cho đến nay mỹ nhân ngư đã bị sâu mọt đục ruỗng khá nhiều.

Thêm một điều thú vị, một trong những sáng lập viên đầu tiên của trường ĐH danh tiếng Nagoya, một trong những người tiên phong đưa thuốc Tây vào Nhật Bản, người phát minh ra vắc xin bệnh đậu mùa - ngài Keisuke Ito (1803 - 1901) - đồng thời cũng là người nổi tiếng với những bức họa người cá đẹp nhất. Chiêm ngưỡng một số tác phẩm của ông còn lưu lại, người ta có thể cảm nhận sự hiện diện của người cá chân thực đến độ nào.


Những nơi khác

Một người cá thời Victoria.

Lần đầu tiên người cá bước ra khỏi truyền thuyết hư ảo để hiện diện trước người trần mắt thịt là vào năm 1403. Nước lũ rút vội đã khiến cô mắc kẹt trên bờ biển Eton, Hà Lan, sau đó được 1 nhóm ngư dân tìm thấy.

Theo cuốn sách “Speculum Mundi” xuất bản năm 1635 do đích thân Bộ trưởng nước Anh John Swan viết về sự kiện này, mỹ nhân ngư tỏ ra sớm hòa nhập với cuộc sống “trần gian”, thích mặc quần áo đẹp, thích dạo chơi, nghe các quý bà tâm sự, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nàng hé môi trò chuyện nửa lời.


Người cá Feejee ở Anh


Người cá Feejee năm 1875
Năm 1738, nhật báo Luân Đôn đăng tải một tấm hình gây sốc: một mỹ nhân ngư nhỏ bé được phát hiện bên bờ biển Hebrides, bị ném đá tới chết do người ta tưởng nhầm là quái thai. Sau đó cô người cá xấu số được mai táng cẩn thận, và nếu có ai tỏ ý nghi ngờ thì bất kỳ người giàb hay con trẻ nào trong làng cũng sẵn sàng thề độc để chứng minh câu chuyện có thật 100%.

Thêm một lời đồn được chứng thực khác: năm 1881 ngư dân bắt được người cá ngoài khơi Xcốt-len, sau đó đem về bang New Orleans để trưng bày và “kiếm chác” từ công chúng hiếu kỳ.


Xác ướp người cá bày bán ở cửa hàng Ye Olde, Seattle.


Người cá Nga

Lại có những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích: mỹ nhân ngư tự nguyện rời bỏ đại dương, kết hôn cùng người “phàm trần” và rồi sinh con đẻ cái.

Ở Ai-len, con cháu dòng họ Machaire được coi là hậu duệ chính thống của cặp uyên ương chồng người vợ cá. Đến nay gia phả nhà họ vẫn lưu truyền câu chuyện tình cảm động bà cố nội đã theo ông cố nội lên ở đất liền như thế nào.

Người cá Fiji trên tấm bưu thiếp 100 năm tuổi

Nếu nói về người cá nổi tiếng nhất (và có lẽ cùng là “tai tiếng” nhất) trong lịch sử phải kể đến mỹ nhân ngư FeeJee - một sinh vật quằn quại có khuôn mặt và hình thù gớm ghiếc.

Người cá Barnum

Ra mắt công chúng lần đầu tại New York vào năm 1842, FeeJee được một quý ông xưng danh “Tiến sĩ Griffith” bảo chứng là “người cá 100% do một ngư dân Nhật Bản bắt được”. Tuy nhiên trò lừa đảo này sau đó bại lộ, thực chất đó chỉ là sản phẩm cấy ghép tinh vi giữa mình khỉ và đuôi cá.
Cho tới nay, bản copy mô hình người cá Feejee hiện diện ở khá nhiều nơi, nhưng bản chính đầu tiên thì đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong trận cháy bảo tàng Barnum vào đầu những năm 1860.

Hiện Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody của trường ĐH Harvard cũng lưu giữ 1 phiên bản này.

Xác ướp người cá ở Trung Quốc


Ở Nhật

Ở Anh

Mơ mộng

Cũng theo nhiều đồn đại khác nhau của thủy thủ thì mermaid ngoài hình dạng xinh đẹp còn có giọng hát tuyệt vời quyến rũ người khác. Chúng ta dại gì mà không mơ mộng nhỉ ...

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *