Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Thursday, July 10, 2014

Đặc công nước VN: Một mình đánh chìm tàu 15.000 tấn

Đặc công Hải quân Nhân dân Việt Nam (đặc công nước hay “người nhái”) là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được tuyển lựa nghiêm ngặt và huấn luyện cực kỳ khắt khe... 

Ngàn người chọn một 

Là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ nên đặc công nước không tuyển trực tiếp từ các địa phương mà tuyển từ những tân binh ưu tú nhất trong các đơn vị Hải quân. Cứ sau mỗi mùa tuyển quân và kết thúc quá trình huấn luyện tân binh, Đoàn đặc công lại đến các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân để tuyển người vào đặc công nước. 

Một bài huấn luyện của lực lượng đặc công nước. 

Ngoài tiêu chí như sức khỏe tốt, ứng viên phải trải qua nhiều bước kiểm tra đặc biệt, trong đó có bài đầu tiên là ngồi lên chiếc ghế “xoay tít mù” trong vòng 3 phút để xác định “thần kinh thép” của người kiểm tra. Khi ghế dừng lại, ứng viên phải đi qua một lối đi (kẻ vạch) rộng 80cm, dài 2m mà không dẫm lên vạch, đến chiếc bảng rồi viết rõ ràng một chữ nào đó theo yêu cầu. Rất nhiều người không thể vượt qua được bài kiểm tra mở màn này (bị loại). Yêu cầu khắt khe nên trong vài nghìn chiến sĩ ở các đơn vị thường chỉ chọn được khoảng 50 tân binh cho đặc công nước. 

Từ số này, lại tiếp tục chọn ra một vài người xuất sắc nhất để đưa vào đội “người nhái” nếu vượt qua được bài kiểm tra “ép nhái”. Trong một chiếc máy hình ô-van khổng lồ diện tích khoảng 10m2, sau khi đưa khoảng 5-6 người vào, giám khảo sẽ vận hành, tăng/giảm dần áp suất trong máy. Áp lực khí nén cực lớn sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể tương tự như khi lặn sâu vậy. Nếu không có sức khỏe tốt và khả năng chịu được áp lực, khi lặn xuống độ sâu, có thể xảy ra tai nạn chết người. Sau bài tuyển “ép nhái”, những người đạt sẽ được tuyển vào đơn vị người nhái, số còn lại được biên chế vào đơn vị đặc công nước (bình thường) và đội đặc nhiệm chống khủng bố. 

Đặc công nước có thể bơi liên tục hàng chục km, ngâm mình trên mặt nước cả ngày. Đặc công người nhái còn có thể "xuất quỷ nhập thần" hơn, lặn sâu vài chục mét rồi bất ngờ tấn công các mục tiêu khó nhất. Đó là những nét “phác thảo” về những người lính đặc công Hải quân. 

Một mình đánh chìm tàu Mỹ 15.000 tấn 

Vũ Trọng Nhượng - một “người nhái” của Đặc công Hải quân Việt Nam. Trong những trận chiến có anh tham gia, trận 1 mình đánh chìm tàu 15.000 tấn của Mỹ tại Nha Trang của anh là “vinh quang” hơn cả. 

Đó là trận đánh vào đêm 14, rạng sáng ngày 15/10/1969. Anh được đại đội phó Trần Ngân giao một mình đột nhập vào cảng Nha Trang để đánh chìm chiếc tàu trọng tải 15.000 tấn, chở hàng quân sự của Mỹ vừa cập cảng. 

Việc đột nhập vô cùng khó khăn, bởi cứ 5 phút, tàu tuần tiễu và bo bo trinh sát của hải quân địch lại chạy vòng quanh cảng bắn pháo sáng, dùng đèn pha quét xung quanh tàu, ném cả lựu đạn xuống vùng nước trước mũi tàu và lái tàu để ngăn chặn đặc công ta xâm nhập. Trên tàu, lính gác suốt đêm ngày, đèn điện cao áp sáng như ban ngày. 

Bằng những kỹ thuật đặc công nước đã được huấn luyện, Vũ Trọng Nhượng đã khéo léo vượt qua hệ thống tuần tiễu bảo vệ của địch. người nhái Vũ Trọng Nhượng buộc khối thuốc nổ nặng 50kg vào lưng, trong đó có quả mìn nam châm gắn kíp nổ hẹn giờ, ngậm ống thông hơi là một ống tre dài 20cm và kẹp mũi cũng bằng kẹp tre, chầm chậm bơi ngửa dưới mặt nước để tiến về phía tàu địch. 

Lúc cách tàu địch khoảng 50m, đột nhiên một tàu tuần tiễu của Mỹ chạy tới rọi đèn pha quanh tàu và ném lựu đạn, Vũ Trọng Nhượng tưởng mình bị lộ nhưng không phải. Khi cách tàu khoảng 20m, một chiếc đèn cao áp to như một cái nón chiếu thẳng xuống. Để khỏi bị lộ, Vũ Trọng Nhượng liền lấy hơi, lặn sâu xuống nước khoảng 2m rồi cứ thế tiến thẳng vào gầm tàu, nhanh chóng buộc chặt một đầu dây khối thuốc nổ vào neo tàu, buộc dây còn lại vào phía bánh lái để khối thuốc nổ nằm chính giữa phía dưới khu vực buồng lái. Rút chốt hẹn giờ 30 phút, anh nhanh chóng rời khỏi khu vực cảng. Trên đường bơi về hòn Miễu, anh nghe thấy một tiếng nổ long trời lở đất cùng cột nước bùng lên rất cao. Điện cao áp trên tàu tắt ngóm. Còi báo động rú lên khắp nơi... 

Sau chiến công vang dội của “người nhái” Vũ Trọng Nhượng tại Nha Trang, các báo phương Tây, đài BBC đồng loạt đưa tin nhiều lần rằng, khoảng 5 phút sau khi bị tấn công, chiếc tàu 15.000 tấn bị lật nghiêng rồi chìm nghỉm. 75 lính Mỹ cùng 15.000 tấn vũ khí, hàng hoá trên tàu bị nhấn chìm xuống biển. 

Đây là chiến công oanh liệt đầu tiên của lực lượng đặc công Việt Nam, giáng thẳng vào lực lượng hải quân Mỹ ở Nam Trung Bộ, góp phần tạo động lực cho toàn quân ta tiêu diệt, phá hủy các quân cảng, cầu cống, tàu quân sự, đường giao thông thủy, bộ, ngăn chặn, cắt đứt sự chi viện vũ khí đạn dược, xăng dầu... của địch cho các chiến trường. 

Đặc công Việt Nam đánh đắm tàu chở dầu to “như tòa nhà 5 tầng” 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn đặc công 126 Hải quân Nhân dân Việt Nam (Đoàn 126) đã lập nên nhiều kỳ tích tầm cỡ lịch sử quân sự thế giới. Có những trận đã đi vào huyền thoại. 

Chiến công oanh liệt đầu tiên của Đoàn 126 trong những năm đầu mới thành lập là trận đánh chiếc tàu chở dầu trọng tải 15.000 tấn của Mỹ vào đêm 9/9/1969. 

Ông Trần Quang Khải - một trong ba người tham gia đánh tàu kể lại: “Mặc dù đã biết trước rằng đây là chiếc tàu cực lớn, nhưng tôi vẫn bị “choáng”, bởi khi tiếp cận mới thấy chiếc tàu USS Noxubee lừng lững như một toà nhà 5 tầng neo giữa biển”. 

Đặc công nước của Việt Nam. 

Đúng 19 giờ ngày 6/9/1969, tại một điểm xuất phát ở Cửa Tùng, tổ chiến đấu của Đội 1 gồm 3 người: Bùi Văn Hy, Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải do Bùi Văn Hy làm tổ trưởng xuất phát, bơi ra biển tiếp cận tàu địch. Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm… Riêng chiến sĩ Hỗ và Khải nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất. Đây là loại vũ khí rất lợi hại của đặc công nước, có ghép bốn mươi tám mảnh nam châm hình móng ngựa, có sức hút 100kg. Khi mìn đã áp vào sườn tàu, rút chốt an toàn, đúng giờ sẽ nổ, nếu chưa đến giờ nổ mà bị tháo gỡ, mìn cũng tự phát nổ, bởi nó có ngòi chống tháo. 

Hai đồng đội Khải và Hỗ bơi ra biển, nhằm thẳng hướng sáng ngoài khơi nơi tàu USS Noxubee thả neo, còn Bùi Văn Hy ngồi trong một chiếc thuyền của ngư dân bỏ lại trên bãi biển cảnh giới, theo dõi. 
Sau gần năm giờ bơi, vật lộn với sóng gió, tổ chiến đấu đã đến gần vị trí tàu. Mặt biển quanh tàu sáng như ban ngày bởi ánh sáng đèn pha. Tổ bắt được dây neo, men theo dây neo hai chiến sĩ ôm được chân vịt của tàu rồi bơi men ra giữa thành tàu. Thành tàu bám đầy hà, sợ gắn mìn rùa không đảm bảo kỹ thuật, chiến sĩ Khải rút dao găm bên người, nhẹ nhàng cạo hết lớp vỏ hà bám bên sườn tàu, gắn mìn vào. Rút chốt an toàn, cắt dây phao mìn, rồi hai người ngậm ống thở lặn sâu xuống rút lui. 

Tàu chở dầu USS Noxubee 

Vừa cách tàu khoảng một mét, cái phao bật lên mặt nước, lính Mỹ trên tàu hốt hoảng kêu la ầm ĩ: “Vixi! Vixi!”. Còi báo động trên tàu rú vang. Lính Mỹ tập trung ném lựu đạn và bắn xuống nước, cho 3 máy bay trực thăng bay ngang dọc, quét đèn pha sáng rực cả một vùng quyết tìm diệt bằng được những người lính đặc công thủy Việt Nam - một trong những đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ lúc bấy giờ. 

Khoảng một tiếng sau, từ chiếc tàu vận tải 15.000 tấn phát ra hai ánh chớp xanh lè kèm theo hai tiếng nổ lớn rung chuyển cả mặt biển. Cột lửa bùng lên từ con tàu chở dầu USS Noxubee sáng cả một vùng. Sức ép làm hai người nghẹt thở, choáng váng rồi chìm nghỉm xuống nước. Dây đồng đội bị đứt, hai người - Khải và Hỗ mỗi người văng một nơi, mất liên lạc, cứ như vậy để nước cuốn trôi đi… 

Suốt một ngày lạc nhau, đói, khát, ẩn giấu mình dưới sự lùng sục, truy quét của địch, người nọ tưởng người kia đã hy sinh. Đến tối, cả ba chiến sĩ đã gặp nhau ở điểm quy định bên bờ bắc Cửa Việt. Chiến sĩ Khải bị thương vào đùi còn Hỗ bị sức ép, ù tai. 

Sự kiện tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ bị đánh đắm này được hơn 70 tờ báo của các nước đưa tin, bình luận với những dòng tít “kinh hoàng”, “ngoài sức tưởng tượng”… Có tờ báo còn đặt câu hỏi: Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển? 

Còn viên trung uý Hồ Biền - chỉ huy đơn vị người nhái của chính quyền Sài Gòn sau đó kể với các phóng viên báo: “Hôm đó tôi dẫn lính ra để thực thi nhiệm vụ. Nhưng ai cũng sợ xanh mặt... Lúc chúng tôi trở về, Đô đốc Lâm Ngươm Tánh quát rằng: Gió bão như vậy, đặc công thuỷ Việt cộng không thể lặn ra biển được. Nhất định bọn người nhái chúng mày đã làm phản. Thế là tôi phải ngồi tù 1 năm”. 

Còn Thiếu tướng Mai Năng, một trong những người người đã “khai sinh” ra Đoàn đặc công 126 Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, Đoàn 126 được thành lập ngày 13/4/1966, rồi được tung vào chiến trường bắc Quảng Trị trong lúc chiến trường này đặc biệt nóng bỏng. Để tiếp tế cho hơn 3 vạn quân Mỹ và hàng vạn quân đội Sài Gòn đang bị giam chân ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm của họ. Và Đoàn 126 được giao nhiệm vụ tấn công, làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của chúng. 

Gần 7 năm bám trụ ở chiến trường Quảng Trị (từ 1967-1972), với phương thức tác chiến độc đáo “luồn sâu, đánh hiểm, lấy ít thắng nhiều”, Đoàn 126 đã đánh chìm tổng cộng 339 tàu chiến, tàu vận tải của địch, ngoài ra còn đánh hỏng 33 chiếc khác, phá huỷ hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. 

Những trận đánh liên tiếp của Đoàn đặc công 126 Hải quân khiến địch thất điên bát đảo, khiến chúng phải thốt lên: “Hiện nay tàu bè đi lại trên thủy lộ sông Cửa Việt đang bị thuỷ lôi của cộng sản đe doạ trầm trọng” (trích tài liệu “Lực lượng hải quân Bắc Việt” của phòng Nhì Hải quân chính quyền Sài Gòn).

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *