Responsive Advertisement

Tìm Kiếm

Tuesday, December 21, 2010

Tên lửa đất đối đất ứng dụng công nghệ mới

Liên tục trong thời gian gần đây, I-ran và CHDCND Triều Tiên đã tiến hành phóng thử hàng loạt tên lửa đất đối đất thế hệ mới cả ở tầm ngắn và tầm xa.
Tên lửa đất đối đất còn được sử dụng trong các cuộc tập trận, trong đó cuộc tập trận “Đại giáo đồ-4” của I-ran đã có một số lượng lớn tên lửa đất đối đất được phóng đi. Tham gia vào các cuộc thử nghiệm tên lửa đất đối đất thế hệ mới còn có Nga, Ấn Độ, Pa-ki-xtan... Đáng chú ý, các loại tên lửa mới đều ứng dụng mạnh công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nhiên liệu, khả năng cơ động và dẫn đường.




Tên lửa Sahab-III rời bệ phóng.

I-ran có bước phát triển nổi bật trong lĩnh vực thuốc phóng của tên lửa đất đối đất hiện đại. So với ba năm trước, phần lớn các tên lửa của I-ran sử dụng thuốc phóng lỏng, thì hiện nay, các tên lửa tầm xa Sahab-III và Sejil sử dụng thuốc phóng rắn, giúp tên lửa bay với tốc độ cao hơn, tiêu diệt mục tiêu chính xác và nâng cao khả năng tránh được sự đánh chặn của tên lửa đối phương. Theo những tiết lộ về công nghệ, tên lửa Sahab-III kết cấu 3 tầng thuốc phóng, cự ly tiêu diệt mục tiêu đến 2.000km. Tên lửa Sejil của I-ran đã phát triển đến thế hệ 2, kết cấu hai tầng, sử dụng thuốc phóng rắn, năng lượng cao, cự ly tiêu diệt mục tiêu cũng đạt tới 2.000km. Các cường quốc về tên lửa đường đạn như Nga, Mỹ, Anh, Pháp đã sử dụng thuốc phóng rắn cho tên lửa từ lâu, nhưng với I-ran, việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng thành công thuốc phóng rắn cho các tên lửa đường đạn của mình là sự tiến bộ vượt bậc. Ấn Độ cũng đang phát triển và ứng dụng mạnh mẽ nhiên liệu rắn dùng cho các loại tên lửa đất đối đất tầm ngắn và tầm trung, trong đó có tên lửa Prithvi-II thế hệ mới.

Khả năng cơ động cho tên lửa đất đối đất được các nước rất chú trọng. LB Nga trước đây, bố trí nhiều tên lửa đường đạn phóng từ các bệ phóng cố định, đặt trong các hầm phóng. Từ năm 2006, Nga đã khiến giới quân sự Mỹ và phương Tây tập trung chú ý khi đưa vào biên chế tên lửa đất đối đất tối tân nhất Topol-M phóng từ xe chuyên dụng, khả năng cơ động rất cao. Tên lửa Topol-M dài 22,7m, đường kính 1,95m, nặng 47,2 tấn, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn, 3 tầng đẩy, tầm bắn 11.000km. Tên lửa có tốc độ bay cực lớn lên không trung, có khả năng vô hiệu hóa các loại tên lửa đánh chặn tiên tiến. Ngoài ra, tên lửa Topol-M còn được lắp các thiết bị có khả năng chống được các loại vũ khí bằng la-de và thiết bị chuyên dụng, giúp tên lửa vận hành dễ dàng khi quay trở lại khí quyển trái đất. Với các hệ thống thiết bị tiên tiến cho phép tên lửa Topol-M vượt qua khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hơn nữa, tên lửa Topol-M còn có những đặc điểm rất ưu việt là thời gian tác chiến ngắn, độ chính xác cao và có thể bảo quản, sử dụng trong thời gian dài.


Các nước như Ấn Độ, I-ran, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc... cũng đang rất nỗ lực phát triển công nghệ phù hợp, bảo đảm khả năng cơ động cho tên lửa đất đối đất. Tên lửa Sahab-III và Sejil thế hệ mới của I-ran đều có thiết kế trên xe phóng cơ động. Ấn Độ cũng phát triển các tên lửa đường đạn Prithvi-II và Agni đặt trên xe phóng. Triều Tiên đã cải tiến hàng loạt tên lửa đất đối đất tầm xa Nodong-1, Nodong-X và các tên lửa đất đối đất tầm ngắn KN-02 đặt trên xe cơ động. Các tên lửa đất đối đất đặt trên xe phóng cơ động vừa bảo đảm khả năng chiến đấu linh hoạt vừa phòng tránh và chống lại hiệu quả các đòn tiến công của đối phương bằng vũ khí chính xác.

Phát triển đầu đạn-phần chiến đấu quan trọng nhất của tên lửa đã có những tiến bộ đáng kể. Sự răn đe lớn nhất của tên lửa đất đối đất là các thế hệ đầu đạn hạt nhân. Song, việc nghiên cứu phát triển, phổ biến vũ khí hạt nhân đang bị cộng đồng thế giới lên án, do đó, tên lửa đất đối đất chuyển sang dùng các loại đầu đạn thông thường, nhưng có sức cộng phá lớn. Mỗi tên lửa được thiết kế mang theo nhiều đầu đạn, hoặc một đạn “mẹ” mang theo nhiều đạn “con”. Tên lửa Topol-M lắp trên xe cơ động của Nga và tên lửa RS-24 mang được từ 6 đến 10 đầu đạn thông thường. Đặc biệt, để chống hệ thống phòng thủ tên lửa, Nga đã thiết kế, chế tạo thành công đạn tự dẫn độc lập mang nhiều đạn con MIRV cho tên lửa đất đối đất. Đạn MIRV hoạt động theo 4 giai đoạn, tung rải hàng chục đạn “con” thật và giả để đánh lừa, vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và tiêu diệt mục tiêu hiệu quả.

Ngoài việc sử dụng đạn tự dẫn, công nghệ dẫn đường cũng có bước phát triển mới. Các cường quốc như Mỹ, Nga, Pháp, Anh đã ứng dụng công nghệ vệ tinh-vũ trụ vào dẫn đường cho tên lửa rất thuận lợi. Riêng I-ran lại hướng tập trung phát triển công nghệ dẫn đường tên lửa bằng ra-đa. Các phương thức dẫn đường cho tên lửa đất đối đất mới nhằm dẫn đường chính xác, bảo đảm độ an toàn cao cho tên lửa, tiêu diệt mục tiêu hiệu quả... đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các nước có tên lửa đường đạn.

No comments:

Post a Comment

Các bạn hãy trả lời Mail để nhận sách miễn phí nha

Văn Bản

RubyBook

Chào mừng các bạn đến với trang blog của mình.Nếu cần những cuốn sách nào theo yêu cầu của các bạn xin gửi mail cho mình theo địa chỉ mail bên dưới nhé




Liên Hệ Với Chúng Tôi

Name

Email *

Message *